Vị Trí Của Ấm Tử Sa Nghi Hưng Trong Nghệ Thuật Trà

Vị Trí Của Ấm Tử Sa Nghi Hưng Trong Nghệ Thuật Trà

Vai trò, đặc điểm, tính chất và ý nghĩa của Ấm tử sa Nghi Hưng trong lịch sử phát triển của nghệ thuật pha trà và thưởng trà.

Loạt bài giới thiệu về ấm tử sa Nghi Hưng:

Hiểu về vị trí của ấm trà Nghi Hưng là một sự khởi đầu hoàn hảo nhất để bắt đầu đi vào chiều sâu của nghệ thuật thưởng trà. Không có một trà cụ nào có mối quan hệ lâu gắn kết lâu dài và sâu sắc với trà như ấm tử sa. Nó là một di sản văn hóa đã đi vào trong tất cả các khía cạnh của đời sống và nghệ thuật qua nhiều thế kỷ, là tri kỷ thể hiện rõ nét khí chất và phong thái của trà nhân. Hãy cùng nhau khám phá đặc tính nghệ thuật vật thể và phi vật thể của ấm tử sa nhé.

Sự ra đời của ấm trà Nghi Hưng gắn liền với sự thay đổi trong văn hóa trà của Trung quốc khi việc pha trà chuyển từ dạng bột sang dùng trà nguyên lá, làm thay đổi cách chế biến trà, hình thành nên các dòng trà mới đặc trưng. Đi kèm theo đó là yêu cầu cao hơn về nguyên liệu làm ấm, nâng tầm thưởng lãm. Và những chiếc ấm Nghi Hưng ra đời đã thỏa mãn đầy đủ, đồng thời trở thành huyền thoại ở tất cả các cấp độ đánh giá. Thực tế đã chứng minh việc cân bằng giữa nghệ thuật, sự sang trọng và tiện ích của một chiếc ấm là tiêu chí chuẩn mực để lựa chọn và đánh giá. Chính nguyên liệu đặc trưng của ấm tử sa Nghi Hưng đã định tiêu chí hoàn thiện đó, rất ít loại nguyên liệu nào có thể đạt đến trình độ chế tác công phu và phức tạp, hội đủ các kỹ năng tổng hợp về tinh thần và tinh thể như vậy. Từ khi mới xuất hiện, ấm Tử sa luôn được các tầng lớp xã hội săn đón, thậm chí nó đã chiếm ngôi vương trên bàn trà của Hoàng triều, được triều đình dùng để thưởng thức các loại trà quý hiếm được cống nạp. Và ngày nay, trên khắp các con đường ngõ hẻm có người Hoa truyền thống sinh sống, hầu như nhà nào trên bàn trà cũng có một ấm Nghi Hưng xinh xắn. Bằng cách nào đó, di sản ở Nghi Hưng đã trở thành một phần của đời sống, của những nét nghệ thuật, của những câu chuyện truyền lưu qua nhiều thế hệ.

Đối với một số người, ấm trà đơn giản chỉ là một cái bình dùng để pha trà. Tuy nhiên, ngay cả những người thực tế như vậy, họ cũng tìm ra một thế giới khác trong những chiếc ấm Nghi Hưng. Một trong những trải nghiệm thú vị của rất nhiều người là việc so sánh trà pha ở cùng các điều kiện về lượng trà, nhiệt độ nước nhưng lại dùng các loại ấm khác nhau như như ấm polycarbonate, ấm thủy tinh và ấm trà tử sa Nghi Hưng, và đại đa số người đều chấm trà trong ấm Tử sa sẽ sánh và mịn hơn so với trà ở các ấm còn lại, hương hậu phân tầng rõ rệt. Về mặc nghệ thuật và công năng, ấm Nghi Hưng đã vĩnh viễn lưu lại trong văn hóa lịch sử nghệ thuật thưởng trà.

Sự Ra Đời Của Ấm Tử Sa

Trà là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Trung quốc, Nhật bản và Việt nam chúng ta. Trước nhà Đường (618-907), trà được xem là thức uống chữa bệnh. Nó là dược lý quan trọng của các thầy thuốc. Sau đó, nó dần trở thành một đồ uống giải khác và là thực phẩm bổ sung để chế biến đa dạng các món ăn. Khoảng giữa triều Đường và Tống (960 – 1279), trà đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật. Trước đó, trà chưa có loại dụng cụ pha chế đặc trưng, thế nhưng, ở thời đại đỉnh cao của tất cả các loại hình văn hóa nghệ thuật, khi trà dần dà được phổ biến trong giới nhân  tăng sĩ, cải thiện quy trình chế biến lẫn cách pha, nhờ đó việc yêu cầu về trà cụ cũng trở thành yêu cầu cấp thiết như máy xay bột trà, sàng lọc, bát chứa bột, chén trà,… cũng được hoàn thiện. Đến thời Tống, nhờ việc kế thừa và cải tiến cách chế biến trà cũng như trong phương pháp pha chế đã nâng trà lên thành một trường phái đặc trương riêng biệt mà gắn kết nghệ thuật trong mọi tầng lớp xã hội.

Dưới thời Minh (1368 – 1644), thưởng trà đã hoàn toàn đạt đến nghệ thuật đỉnh cao của nó – pha trong ấm gốm. Nếu như ở đời Nguyên, vì muốn giữ gìn phong tục nơi thảo nguyên lạnh giá và muốn xóa bỏ nền văn hóa của Trung thổ, triều đình đề ra những sách lượt ưu tiên sử dụng trà trong những chiếc chén dáng cao, mở đầu cho khuynh hướng pha trà nguyên lá, đến năm 1391, Minh hoàng Hồng Võ Đế đã ban sắc lệnh cấm hoàn toàn truyền thống làm bánh trà từ bột, làm chấm dứt gần như triệt để văn hóa đánh trà trên toàn lãnh thổ Trung hoa, từ đó tạo nên cuộc cách mạng mới về trà cũng như xu hướng sản xuất trà cụ, ấm trà hưng thịnh, phù hợp để pha những bản lá trà đẹp mắt.

Trong những ghi chép lịch sử, sản xuất ấm chén ở Dương Tiện (nay gọi là Nghi Hưng) có thể bắt đầu dưới thời Tống, nhưng tất cả chỉ là ra đồ gốm gia dụng bình dân. Đến thời Chính Đức Đế (1505 – 1521), ấm Nghi Hưng mới được nâng lên thành một loại hình gốm nghệ thuật. Hầu hết các sử sách đều cho rằng sự lột xác này đều khởi đầu từ Cung Xuân, thư đồng của của một vị quan đương triều tên Ngô Di Sơn cho nên tài liệu về ông rất ít. Nhưng nhờ vào tài năng thiên bẩm, cùng những cảm thụ hình khối tinh tế mà những ấm trà do Cung Xuân làm ra đều gây cảm hứng cho những thợ gốm đương thời ở Dương Tiện. Từ đó, trào lưu sưu tầm ấm tử sa nhanh chóng hình thành trong khắp giới nhân sĩ quý tộc và trong mọi tầng lớp thưởng trà.

Ấm Tử Sa Nghi Hưng và Trà Nhân

Đặc trưng cơ bản của ấm Nghi Hưng là ở quặng khoáng tử sa được khai thác ở ngay địa phương. Có rất nhiều loại quặng khoáng được khai thác ở đây, và bởi quặng khoáng làm ấm hoàn toàn được khai thác ngoài tự nhiên, cho nên, dù không được tráng men nhưng sản phẩm làm ra có thể được sử dụng hàng ngày mà không rỉ thấm, an toàn tuyệt đối với sức khỏe con người. Vì không được tráng men giúp cho cấu trúc khí khổng dễ dàng hấp thụ những tinh túy từ các loại trà, làm cho ấm như ‘sống dậy’ theo thời gian.

Phổ màu và thành phần có trong quặng tử sa Nghi Hưng đến nay vẫn mang lại sự kinh ngạc đối với những nhà nghiên cứu. Quặng khoáng nguyên bản tử sa ở đây có nhiều loại khác nhau nhưng chúng đều có chung một đặc điểm là kết cấu tinh thể đặc biệt và màu sắc trầm ấm tự nhiên. Tử sa có tỷ lệ co ngót thấp như Tử nê và Đoạn nê, cho phép thợ gốm được tự do vẽ nặn những hình dáng theo sức sáng tạo không ngằn mé, tạo sự phong phú trong hình dáng và kích thước ấm với công năng hoàn hảo thông qua kỹ năng điêu liệu được lưu truyền qua các thế hệ. Với những loại đất sét có độ co ngót cao như Chu nê lại phù hợp để sản xuất những chiếc ấm có kích thước tương đối nhỏ với hình dáng đơn giản, hạn chế chi tiết, nhưng với kết cấu mềm mại và màu sắc như son, những ấm tử sa Chu nê thường là những ấm được chú ý nhiều nhất. Nếu không có những đặc trưng riêng biệt như vậy, ấm trà tử sa Nghi Hưng vĩnh viễn không thể nào đạt đến ngôi vương trong thế giới ấm trà, sánh tầm cùng các loại hình văn hóa truyền thống đặc trưng của Trung Quốc.

Có một sự gắn kết mật thiết giữa ấm tử sa Nghi Hưng và các loại hình nghệ thuật khác mà không một loại hình nghệ thuật gốm sứ nào có thể đạt được, tạo nên giá trị đối với những nhà sưu tập nghệ thuật. Ngay từ thời Cung Xuân, giới sưu tầm đã phải trả một khoảng không hề nhỏ để có được những chiếc ấm tử sa tuyệt tác về nghệ thuật, hoàn hảo về công năng, đồng thời họ còn muốn tự tay lưu lại những dấu ấn bên cạnh các tác phẩm tuyệt vời đó, tỷ như tham gia một phần vào quá trình chế tác cùng với nghệ nhân…

Trào lưu này đạt đến đỉnh cao của nó là vào giữa đời Thanh, khi Trần Hồng Thọ (1768 – 1822), tự Mạn Sinh, một nhà thư pháp và khắc triện nổi tiếng. Ông kết giao với hai thợ ấm tử sa nổi tiếng là Dương Bành Niên và Thiệu Đại Hanh. Trần phát họa những kiểu dáng ấm, Dương dùng kỹ năng điêu luyện tinh xảo của mình để thực thể chúng đầy sống động. Thế nhưng Thiệu lại thiêng về những đường nét tinh tế nhưng đơn giản chất phát, kèm theo nhiều sáng kiến độc đáo như kiểu nắp ấm Ngư Long, khi rót thì lè lưỡi ra là do ông khởi thủy. Nhiều ấm do Dương Bành Niên và nhà họ Dương chế tạo ra, đợi cho hơi khô, Trần Hồng Thọ dùng dao tre khắc, vẽ, viết chữ, đề thơ lên ấm rồi mới đem nung. Việc kết hợp hai tài danh, một nặn ấm, một thư họa là sáng tác mới của thời đó. Ấm thường có đề “A Mạn Đà Thất” (là tên thư trai của họ Trần) hay dưới đáy có khắc “Bành Niên”. Đời sau gọi là ấm Mạn Sinh (Mạn Sinh hồ).

Các phương pháp cải tiến nghệ thuật góp phần thúc đẩy ấm trà Nghi Hưng lên một vị thế cao trong trường phái nghệ thuật. Gốm sứ Trung Quốc, thư pháp, khắc triện, vẽ tranh đều là những loại hình nghệ thuật rất tinh tế, tất cả đều hội tụ trên một tác phẩm ấm Nghi Hưng, trong sự hòa quyện đó tạo nên giá trị vượt tầm cho mỗi mảng ghép.

Tự bản thân trà, tự nó là một nét tinh tế, là di sản không những của Trung hoa mà là của cả nhân loại. Chính từ những đặc trưng cơ bản của quặng khoáng nguyên bản Nghi Hưng, kèm theo những tinh hóa của văn hóa nghệ thuật đã tạo nên mối liên kết liên tri giữa trà và ấm, như tri kỷ của nhau và là tri âm của trà nhân trong nhiều thế hệ.

Sự Phát Triển Của Ấm Trà Nghi Hưng

Các trung tâm kinh tế và chính trị ở Trung hoa bắt đầu phân hóa dần sau thời nhà Minh. Đến nhà Thanh (1644 – 1911), trong khi các tỉnh phía bắc là nơi tập trung của Hoàng triều và giới quan lại quý tộc thì thủ phủ của nền kinh tế lại chuyển dần về phía nam, dọc theo sông Dương Từ và bờ biển. Sự phân kỳ này cũng tác động đến văn hóa trà, và buộc phải phân đôi để phù hợp với hai trường phái đó. Là Kinh đô của một nước, là nơi tập trung của quyền lực, tài sản và danh vọng, với xu hướng thiên về các dòng như Lục trà, trà hoa cho nên ấm trà thường thiêng về những dáng ấm lớn được sử dụng trong các buổi tiệc chiêu đãi với họa tiết trang trí được khắc vẽ từ các nghệ nhân nổi tiếng đương thời, thể hiện sự phồn thịnh vinh hiển của gia chủ.

Tuy nhiên, những người yêu thích trà ở phương nam đa phần là giới nhân sĩ và các doanh nhân giàu có. Họ lại thiêng về các loại trà được lên men với cách thức chế biến thủ công rất công phu và tỉ mỉ như trà ở Vũ Di và An Khê với lối pha trà Gongfu truyền thống trong ấm có dung tích nhỏ. Với độ khéo tay và đặc tính hoàn hảo của từng loại đất sét Nghi Hưng đã thích nghi hoàn toàn và cho ra hai dòng ấm tử sa tinh tế: một sang trọng quý phái, một nhỏ nhắn mộc mạc. Qua đó, ta có thể thấy rõ nét rằng, sự thay đổi và phát triển của văn hóa trà đã ảnh hưởng đến sự ra đời và phát triển ấm Nghi Hưng như thế nào.

Đứng ở góc nhìn hiện đại có thể nhận ra rằng Minh hoàng Hồng Võ Đế sẽ ngạc nhiên thế nào khi ông nhận ra mình là một giọt nước khơi nguồn cho sự phát triển của đế chế trà Trung hoa. Việc khám phá ra đất sét Nghi Hưng có lẽ là sự ngẫu nhiên, nhưng sự hòa hợp và bổ túc, thậm chí đưa nghệ thuật thưởng trà xâm nhập vào mọi tầng lớp trong xã hội, tạo nên một cuộc cách mạng về nhận thức cũng như hình thành một tầng lớp sĩ phu mới thì hẳn không phải chỉ là ngẫu nhiên. Chính sự tổng hòa của nhiều khía cạnh, từ quặng khoáng sét nguyên bản Nghi Hưng đến tài năng của các thợ làm ấm, cùng với sự yêu thích trà và tinh túy trong nghệ thuật, tất cả cùng nhau tiếp sức, gìn giữ để nét đẹp văn hóa trà lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Hoàng Đế Và Ấm Trà

Sử sách lưu truyền rằng Càn Long yêu trà đến mức ông đã tự tay pha trà cho chính mình. Ông thường xuyên vi hành đến những nơi mình yêu thích, có khi ở những ngõ hẻm con phố trong kinh thành, có khi thường phục ở những xa xôi về phía nam nhưng có một điểm trong chính sử truyền lại, ông rất thích đến các quán trà để thưởng thức và xem biểu diễn hí kịch, đồng thời quan sát cuộc sống đời thường của con dân.

Một buổi tối, khi đang thả bộ về triều quanh co các con hẻm, ông đột ngột dừng bước bởi hương thơm rất quyện từ một ngôi nhà nhỏ bên đường. ‘Quả là một ấm trà hảo hạng!’, ông nghĩ thầm. Ông đẩy cữa bước vào và cất lời chào nhã nhặn. Ngôi nhà quả thật rất đơn sơ với những vật dụng đã trải qua năm tháng. Chủ nhà là một ông lão với khe thời gian hiện rõ trên nếp da.

“Tôi vào được không?”, Hoàng đế lên tiếng hỏi, và ông lão mời nhà vua vào với một nụ cười trên môi.

Trong không gian của một buổi tối tĩnh lặng, vị vua của Hoàng triều cùng thưởng trà trong một ngôi nhà đơn sơ với một người dân chất phát. Thế nhưng, nhà vua lại tìm thấy niềm vui và thư thái cùng với tách trà trên tay. Ông thấy trong đó là hương thơm của núi rừng, sự phúc lạc của tự nhiên, và niềm vui như khi ông còn bé. Ly từng ly, nhà vua hoàn toàn quên đi thời gian của mình. Lúc chào tạm biệt, nhà vua hỏi ông lão về loại trà đặc biệt ông vừa uống, ông nhận được câu trả lời: “Chúng tôi chỉ là những người dân thường làm sao có thể mua những loại trà hảo hạn được. Nhưng do được trà được pha trong ấm Nghi Hưng do tổ tiên truyền lại nên mới có được hương thơm như thế.”

Nhà vua kinh ngạc. Ông xin phép được xem kỹ chiếc bình gốm nhỏ nhắn kia và phát hiện ra, ông lão cũng là một trà nhân như mình. Từ đó trở đi, Càn Long đã kết duyên trọn đời với chiếc ấm tử sa của riêng ông.

Những chiếc cốc nhỏ bé này là một trong những chiếc cốc Gongfu đầu tiên được làm ra, có niên đại vào đầu triều đại nhà Thanh (1644 – 1911) với trà Ô long sẫm màu được rót trong những chiếc cốc này, đặc biệt là khi trà được pha trong một chiếc ấm Nghi Hưng được bọc vàng từ những năm 1960.

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus (0 )
error: Content is protected !!