TỬ SA – TRI KỶ CỦA TRÀ

TỬ SA – TRI KỶ CỦA TRÀ

Ấm tử sa

Ấm tử sa

Có lẽ không một loại hình nghệ thuật chế tác nào gắn bó với trà và văn hóa của trà hơn những chiếc ấm tử sa từ vùng đất Nghi Hưng – ‘Thành phố của Gốm’. Những chiếc ấm trà sản xuất ở đây không những lưu giữ được những nét thanh nhã và mộc mạc của thiền trà mà còn làm bừng lên những cảm ngộ mà thiền trà đã truyền dẫn đến trà nhân. Những nghệ nhân thành thạo đã tạo ra những cái ấm Tử sa, là minh chứng cụ thể về sự hài hòa mà bấy lâu nay con người luôn tìm kiếm vì trong nó ẩn tàng tinh hoa của Đất mẹ, của thiền trà và là tượng trưng cho lối sống giản dị chân thực. Do vậy, những cái ấm tốt là những cái có đường nét tinh tế với một vài nét điểm thanh tao, như xa như gần như mời gọi người ta nâng niu nó trong lòng bàn tay.

Ấm Tử sa là tác phẩm nghệ thuật duy nhất trên thế giới được tạo ra không chỉ dành riêng để trưng bày và chiêm ngưỡng. Nét đẹp của thiền trà chỉ được thể hiện một cách chân thực thông qua nghệ thuật sống. Cho nên, ấm tử sa cũng có sống đời sống riêng của chính nó. Khi đó, ấm như phủ lên mình một lớp tơ mềm óng ả của sự hòa quyện tinh tế giữa trà và nước, một nét đẹp đằm thắm trường tồn theo thời gian. Thực tế đã chỉ ra rằng, chỉ những đôi tay khéo léo với tâm hồn sâu lắng của các nghệ nhân đỉnh cao mới làm ra những chiếc ấm hài hòa giữa công năng và hình dáng tao nhã. Đây là điều mà tất cả các nghệ nhân tử sa đều hướng đến. Một ấm tử sa chỉ thu hút ánh nhìn thì vẫn chưa đủ mà nó còn phải thể hiện mình qua phẩm vị của trà. Hơn nữa, cốt khí của ấm Tử sa không chỉ nằm ở khâu thị giác mà tinh tuý của nó nằm ở sự tổng hòa của tất cả các giác quan. Chúng ta chỉ có thể ước định chất lượng của ấm tử sa thông qua cảm giác ở lòng bàn tay, cảm nhận cấu trúc và hình dáng của ấm, thậm chí ta có thể đánh giá qua âm thanh trong trẻo mà sâu lắng khi ta gõ lên thân. Bởi vậy, cấu trúc bề mặt và không gian hình thể của ấm là tiêu chí quan trọng, cơ bản được đánh giá qua sự hài hòa cân đối giữa núm và nắp, giữa miệng – vòi – tay cầm và thân ấm, tất cả đó là những điểm cần chú trọng khi chế tác một cái ấm Tử sa.


Giống như cách nói bóng gió của Lão Tử, cái dụng của ấm ẩn chứa sự trống trải bên trong – hãy để cho trà thông trong ấm, như Đạo thông trong ta khi chúng ta hồn nhiên và thuần hậu. Và rồi, ta thưởng tách trà thuộc về mình, thưởng hương thơm và hậu vị của nó hay là trà đang tưởng thưởng chúng ta?! Đây là sự gắn kết mật thiết giữa trà và ấm, hay chính xác hơn là ta và trà, hay là cả ba? Do sự kết hợp các yếu tố này mà ấm tử sa đã tạo nên di sản cho riêng mình, một vị thế thiết yếu trong trà và các câu chuyện xung quanh nó.

Ở thời Đường (618 – 907 CE), trà chủ yếu được pha trong vạc cùng với các thành phần khác, sau đó được rót ra bát nhỏ. Lá trà được nén thành khối, sau đó nó được nghiền thành bột trước khi thả vào vạc. Sau này, Lục Vũ đề xuất phương pháp pha trà nguyên lá với trái cây hoặc là hoa gọi là phong cách ‘máng nước’. Vào thời nhà Tống (960 – 1279 CE), thiền trà mới được ý tưởng trong các thiền viện trong lúc thiền sư quán chiếu nội tâm để đạt đến sự thuần tịnh và giao cảm với trà, họ đã làm ra chén, chổi đánh, cối xay và các dụng cụ khác để nghệ thuật hơn trong các buổi thưởng trà. Lần đầu tiên, thiền trà được thể hiện đầy đủ nét đẹp của nó cả trong cách thức pha chế lẫn trong ý vị, thu hút nhiều người theo đuổi theo thời gian.

Xuyên suốt hai triều đại trên, trà chủ yếu phổ biến ở tầng lớp quý tộc và trong giới nhân sĩ, họ đã đến với nhà như một loại hình nghệ thuật mới với tất cả niềm đam mê của thi ca thư họa, hòa quyện vào cuộc sống thường ngày. Thông qua trà, họ gìn giữ sự an tĩnh trong nội tâm như cảm giác yên bình trong thiền viện trên núi. Họ làm thơ, vẽ tranh, thư pháp, viết sách, làm gốm,… niềm đam mê và cảm hứng vô tận của họ, tất cả đều sánh bước cùng trà.

Ấm tử sa dáng Phan hồ

Ấm tử sa dáng Phan hồ

Tuy nhiên, phong cách trà bột lại bị cấm ở triều Minh (1368 – 1644 CN) cho nên hình thức thưởng trà này dần bị mai một ở Trung quốc – nhưng may thay, nó vẫn được gìn giữ và phát huy ở Nhật bản, nay gọi là Matcha. Thay vào đó, triều đình khuyến khích việc pha trà nguyên lá, quay trở lại nét văn hóa từ xưa. Từ đó, tất cả khuynh hướng nghệ thuật trà được chuyển sáng hình thức mới, thậm chí trước đó, trấn Nghi Hưng – trước kia là Giang Tô, chỉ là một thị trấn đồ gốm chuyên làm những vật dụng gia đình thường dân như lọ, đĩa, bát…. nhanh chóng trở thành thủ đô ấm trà trên toàn đất nước và của cả thế giới.

Truyền thuyết kể lại rằng, một nhà sư tên Đinh Thục khi đi ngang qua trấn Tử sa đã rao lớn: bán đất phú quý đây!!! Đám đông cười lớn và chế giễu vị tăng nhân. Tăng nhân nói: “Phú quý không muốn mua, sao mua được sự giàu sang?”. Sau đó, ông đã hướng dẫn những người già trong làng đến khai thác đất ở một hang động trên núi, đất khi khai thác ra có màu ngũ sắc, giống như gấm vóc”. – mỏ quặng sau này đã làm cho thị trấn nổi danh đến tận ngày nay.

Dưới thời Chính Đức đế nhà Minh (1505 – 1521 CN), ấm tử sa Nghi Hưng đã được nâng lên thành một loại hình nghệ thuật. Các nhà sử học đều cho rằng sở dĩ có sự thay đổi này là nhờ một người tên là Cung Xuân. Tài liệu về ông không còn nhiều, chỉ biết ông là thư đồng của Ngô Dĩ Sơn ở Nghi Hưng (một quan lại dưới triều vua Chính Đức). Có rất nhiều dị bản về Cung Xuân được truyền tụng nhưng hầu hết đều đề cập đến việc ông theo Ngô Dĩ Sơn sang các vùng lân cận. Trong thời gian rảnh, ông thường đến chùa Kim Sa cùng uống trà với nhà sư  ở đây. Vị sư này là một nghệ nhân tài hoa nên ông thường làm những cái ấm trà cho riêng mình. Cung Xuân vô cùng ngạc nhiên và thích thú trước dáng vẻ thanh tao trầm lắng trong hình hài móp méo ấy nên ông xin nhà sư dạy mình cách làm. Trong những năm sau đó, mỗi khi rảnh, ông đều đến chùa Kim Sa để tạo hình những cái ấm với đường nét thô ráp bằng đôi tay và một cái thìa gỗ. Cung Xuân như có sự khắng khít với đất sét nên nhanh chóng đã làm ra những cái ấm đẹp khôn tả với hương trà tuyệt vời. Cái đầu tiên, ông tặng cho người chủ của mình, đồng thời cũng là một người bạn thưởng trà. Khi Ngô Dĩ Sơn uống trà cùng gia quyến và mời trà quan khách đến thăm, họ đều ngạc nhiên và hỏi về nguồn gốc của cái ấm. Ngay lập tức, giới quan lại, nhân sĩ trong trấn đều muốn sưu tầm những cái ấm của Cung Xuân, ông trở nên nổi tiếng và Ngô Dĩ Sơn đã trao cho ông danh phận, không còn là nô bộc trong nhà. Kể từ đó, ông trở thành nghệ nhân làm ấm nổi danh (nhưng tác phẩm còn lưu lại rất ít) và nghệ thuật làm ấm từ tử sa dần dần được hình thành và phát triển đến ngày hôm nay.

Ấm thuỷ bình hồng nêĐiểm đặc biệt nhất của ấm tử sa Nghi Hưng nằm ở nguyên liệu khoáng đất sét. Người Trung quốc vốn là những thợ gốm nổi danh từ rất lâu, có nền mỹ nghệ về men ngọc nổi danh từ nhiều thế kỷ trước. Đất sét sử dụng làm ấm Nghi Hưng chủ yếu được khai thác ở núi Hoàng Long, Triệu Trang, khu vực tiểu môi diêu và Hồ Phủ và những khu vực lân cận. Bởi vì đất sét tự nhiên không chứa chì nên nó được dùng để làm đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày như chén bát đĩa sau lần nung đầu tiên mà không cần tráng men và vì không tráng men nên đồ gỗm vẫn có độ xốp và tính cát.

‘Tử sa’ là loại đất sét chứa thạch anh, thạch anh, mi ca, caolinit, hematit, sắt và một số nguyên tố vi lượng khác. Khi được nung ở nhiệt độ khoảng 1100-1800oC, thạch anh và thạch kính nóng chảy tạo thành cấu trúc ‘khổng khép’, chính loại cấu trúc này đã giúp tử sa kết duyên tri kỷ với trà. Khi ấm tử sa được soi dưới kính hiển vi, ta thấy các khoang sâu của khổng khí chạy từ bên trong lòng ấm ra đến bề mặt da bên ngoài của nó. Chính vì thế, qua thời gian, tinh dầu của trà sẽ ngấm dần vào ấm, làm cho bề mặt lẫn hậu hương của nó trở nên ‘dày dặn’. Hay nói cách khác, chính các lỗ khí này hấp phụ hương thơm và tinh khí của tất cả các loại trà được pha trong nó. Ngoài ra, các khổng khí cũng làm ấm tăng khả năng chống chịu với sự thay đổi nhiệt độ bất ngờ. Do vậy, ta có thể tráng ấm qua nước sôi ngay cả trong thời tiết giá lạnh của mùa đông, kể cả ở những nơi lạnh nhất, lúc này trông nó giống như những quả mận đào đỏ mọng lấp ló đằng sau lớp tuyết trắng tinh hay như những cành thông phủ đầy bông tuyết trên rặng núi xa xa bên bờ hồ đóng băng. Tất cả những vẻ đẹp thanh khiết ấy hầu như được thấy trong một chiếc ấm tử sa khói tỏa nghi ngút.

Sau khi khai thác, đất sét – đúng hơn là quặng tử sa, chỉ là một khối đá đặc nhưng lại dễ bong ra thành từng mảng. Sau đó, người ta phơi nó ngoài trời vài tuần, thậm chí đến vài năm để quặng rã thành những khối nhỏ vụn bằng hạt đậu, đây được gọi là quá trình ‘phong hoá’. Tiếp đến, những khối vụn này lại được mang đi nghiền nhỏ bằng thủ công, nhào nặn thành đất sét rồi trải qua quá trình ủ trước khi trở thành nguyên liệu đất sét hoàn chỉnh cho quá trình chế tác ấm tử sa. Thời gian ủ tùy thuộc vào quặng và cả quá trình làm đất sét đều được các nghệ nhân lão thành giám sát chặt chẽ và các bậc trưởng lão đều khẳng định ‘càng lâu càng tốt’ khi đề cập đến quá trình phong hóa và dự trữ quặng. Công đoạn rây lắng càng nhiều thì đất sét thành phẩm càng mịn, hạt nhiều hơn thì đất sét thường xốp hơn khi nung. Do vậy, người ta sử dụng các loại sàng với kích cỡ khác nhau để tạo ra những kết cấu đất sét khác nhau theo mong muốn. Sau khi nhồi thành tảng, đất sét được nện bằng cái búa gỗ lớn (đôi khi người ta cũng phối màu ở công đoạn này), đến khi nào đất sét trở nên nhuyễn màu và dẻo theo ý muốn.

Sự đa dạng về màu sắc của quặng Nghi Hưng liên quan đến việc quặng được khai thác ở đâu và thời gian nó được phong hóa cũng như nhiệt độ nung và hàm lượng sắt tự nhiên để đất sét lên màu. Nhiệt độ nóng hơn sẽ tạo ra những mảng màu tím đậm hơn. Theo cách phân loại truyền thống, đất sét được chia thành năm loại chính là màu tím (tử nê), đỏ (hồng nê), xanh (lục nê), đen (hắc nê) và xám-vàng (đoạn nê). Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu và nhà sưu tầm Nghi Hưng lại cho rằng nên phân loại đất sét theo vùng được khai thác thay vì màu sắc. Trong những năm gần đây, thợ ấm đã bổ sung thêm nhiều mảng màu mới như xanh lá, vàng, lục thẫm, đen và đỏ và vô số màu sắc khác nhau – một trong số chúng được khai thác tự nhiên ở các vùng khác nhau, một số được thợ ấm nghiên cứu phối trộn nhân tạo. Và nhiều ấm có thể được làm từ hỗn hợp gồm một hay nhiều loại đất sét này.

Ấm tử sa mao tăng

Ấm tử sa mao tăng

Những cái ấm tử sa từ đất sét chu nê, đặc biệt là những cái ấm cổ, hầu hết giá thành đều rất cao bởi vì loại quặng này hầu như không còn tồn tại ở dạng tự nhiên. Hơn nữa, do độ co ngót và tính đồng nhất của loại chu nê nên đặc biệt lớn nên tỷ lệ thành công sau khi nung của chu nê nguyên bản khá thấp vì đại đa số nắp sẽ không khít với ấm hoặc ấm bị hỏng trong quá trình nung ở nhiệt độ cao. Cho nên hầu như các loại sét chu nên đều phải pha với một số ít loại sét khác để tăng độ ổn định của nó.

Thế nhưng mặc giá thành và độ hiếm của chu nê, Nghi Hưng vẫn nổi tiếng là thành phố ‘Tử sa’ vì quặng tử sa ở đây nhiều nhất và tuổi quặng già nhất. Những chiếc ấm tử sa Nghi Hưng đã kết duyên bền chặt với nghệ thuật pha trà, trở thành ‘Tri kỷ của trà.’ Một cái ấm Tử sa nguyên bản khi được kết quyện kỳ diệu với trà, chỉ cần ngửi hương cũng có thể cảm nhận.

Đất sét Nghi Hưng có độ dẻo vừa phải, gần như là hoàn hảo cho nên khi nó được chế tác tạo hình, gây dính và khó gia công. Hơn nữa, độ co ngót của nó lớn nhất trong tất cả các loại đất sét – trung bình khoảng 10-25% từ khi tạo dáng đến khi nung tùy thuộc vào từng loại sét, quá trình tạo hình và nhiệt độ lò nung. Điều này cho phép nắp và ấm đạt độ khít vừa vặn, cũng như kết cấu xốp làm cho nó được thông thoáng khi pha trà. Thêm vào đó, thạch anh và các nguyên tố khác trong đất sét tạo cho ấm sau khi nung có màu sắc thuần, tự nhiên và mộc mạc, tuy nhiên, có câu miêu tả nghệ thuật tử sa là: vẻ bề ngoài không nói lên được bản chất của ấm tử sa. Hãy để nó tự truyện chính nó.

Ở tầng đất nông không thể tìm ra một loại đất sét thích hợp với trà vì đất sét Nghi Hưng được khai thác từ các mỏ quặng sâu trong lòng đất, mang lại sinh khí, tinh hoa và niềm vui cho trà. Nghệ nhân Kha Đạo Xuân có nói: ‘Ấm tử sa là môn nghệ thuật được những người thợ gốm dành riêng cho Đất mẹ, và rồi tinh túy nó hơn để mọi người ai cũng cảm ngộ sự mềm mại và thoải mái được trái đất thể hiện.’ Chúng ta có thể cảm nhận sự tinh tế trong thần thái, trong nét nghệ thuật và cả trong các nguyên tố cơ bản khi nâng một cái ấm tử sa trong lòng bàn tay – nó từ trong cốt cách. Bằng cách hấp thụ tất cả những tinh hoa tinh túy để làm nên hậu trà thuần vị, không có gì kỳ diệu hơn ngoài ấm tử sa.

Ấm tử sa cự luân

Ấm tử sa cự luân

Một vị vua triều Minh thích vi hành đến các quán xá, đặc biệt là quán trà trong khắp cùng ngõ hẻm ở các trấn khác nhau để biết thêm về tình hình cũng như những câu chuyện đang thịnh hành ở đất nước. Trong lúc mặc thường phục du ngoạn, tình cờ nhà vua nhìn qua cửa sổ thấy một lão nông đang chuẩn bị trà khi vua đi dạo trong một ngỏ hẻm yên tĩnh. Buổi trà được ông lão chuẩn bị tuy đơn giản nhưng không gian yên bình và hài hòa làm cho xung quanh cảm thấy dễ chịu. Nhà vua liền gõ cửa bước vào, nhã ý tham gia cùng ông lão, ông niềm nở mời người thanh niên thưởng trà cùng mình. Hương trà thật đậm đà mà sâu lắng khiến nhà vua kinh ngạc. Suốt mấy canh giờ, họ ngồi cùng nhau chìm đắm trong tách trà bình yên với nguồn cảm hứng vô tận. Lúc rời đi, nhà vua hỏi ông lão nơi nào để mua loại trà thượng hạng như vậy, nhưng ông lão trả lời: ta chỉ là một người dân nghèo, làm sao đủ tiền mua loại trà hảo hạng được. Tất cả là nhờ chiếc ấm tử sa mà ông cha ta để lại.’ Nhà vua cầm cái ấm rổng trên tay, anh nhận ra chiếc ấm này đã được áo lớp hương của trà đến mức nó có thể làm cho nước trong thấm đẫm vị hương. Ngay hôm sau, nhà vua gửi một túi tiền cho người nông dân và chuẩn bị đi đến trấn Nghi Hưng.

Nghệ thuật tử sa Nghi Hưng đã phát triển qua nhiều thế kỷ và dung hòa với nhiều loại hình nghệ thuật khác ở Trung quốc xa xưa. Hầu như những ai yêu thích nghệ thuật đều có sự say mê và gắn bó mật thiết với trà, do vậy, ấm trà thời đó sớm đã được điểm thêm những nét thư pháp, hội họa, khắc dấu hay thậm chí ấm còn được đề thơ. Một số ấm được tìm kiếm nhiều nhất là ấm được các danh sư làm ra: một là thợ ấm nổi tiếng, một là nhà thư họa hay thi sĩ nổi danh đề tự,…

Điểm cuối cùng là hai phong cách chính trong nghệ thuật thưởng trà phát triển ở hai vùng Nam Bắc. Ở vùng phía bắc là các thành phố lớn, gần kinh đô nên hầu hết, người thưởng trà thuộc tầng lớp quý tộc, quan lại và hoàng thất. Cho nên, ấm trà ở khu vực này đa số là những ấm có dung tích lớn để tiện cho việc chiêu đãi trong cách buổi tiệc linh đình; bên cạnh đó, miền bắc cũng có thói quen sưu tầm các ấm trà từ các nghệ nhân nổi danh chế tác, một phần do sở thích, còn lại là để thể hiện sự sung túc của gia tộc. Ở miền nam, đa phần giới nhân sĩ, thương gia hay thường dân đều có tâm hồn phóng khoáng và yêu nghệ thuật. Họ thưởng trà hàng ngày, thường độc ẩm hoặc cùng vài người thân quen nên ấm thường theo xu hướng giản tiện với dung tích vừa nhỏ. Tuy nhiên, dù nam hay bắc hay bất kỳ ở nào cũng có những ngoại lệ, và tất cả phong cách thưởng trà đều được lưu truyền đến tận ngày nay và ngày càng được biến tấu khi các thế hệ nghệ nhân sau này luôn có những ý tưởng mới cải tiến và đa dạng kiểu dáng của ấm lẫn nghệ thuật pha chế…. Tuy nhiên, cái gọi là ‘phong cách miền Nam’ thường sẽ phù hợp trong những buổi trà đạo với nhịp điệu hài hòa và không gian bổ trợ. Còn những buổi tụ hội lớn thường pha trà trong bát hoặc dùng ấm lớn sẽ dễ dàng hơn.

Nhiều thập kỷ qua, nhiều thợ làm ấm đã nghiên cứu và phối trộn các thành phần đất sét khác nhau giúp cải tiến quy trình và làm đa dạng màu sắc hình thể của ấm nên đã hình thành một tầng lớp chuyên sâu về lĩnh vực đất tử sa. Họ là những người không trực tiếp làm ấm, công việc của họ là tinh luyện đất sét để giúp những người thợ ấm chuyên sâu vào việc chế tác, có nhiều thời gian để nghiên cứu và phát huy truyền thống hài hòa trong mỗi tác phẩm tử sa.

Ấm tử sa cự luân

Ấm tử sa cự luân

Giống như những bánh trà nhiều năm sâu lắng, ấm Nghi Hưng cũng mang trong nó sứ mệnh thiêng liêng. Nó có mối quan hệ khắng khít với người thưởng trà và được họ trân trọng lưu truyền qua nhiều thế hệ. Khi cùng bước vào cửa hàng ấm, mỗi người lại bị một ấm trà khác nhau thu hút. Từ đó, ấm-người đã kết một mối duyên khó gỡ với nhau, cùng nhau bước qua năm tháng, cùng nhau quay về Nguồn cội. Nhiều lúc, chúng ta không biết thưởng loại trà nào nhưng lại chấm cái ấm cảm ngộ với ta lúc ấy, và thế là, ta chọn lấy trà mà ấm thường dùng. Một cái ấm tử sa trên nền đĩa nhỏ với họa tiết sơn thủy, mang theo sự yên bình và lắng đọng của thiền trà.

Lúc này, ta đang hình dung mình đang ở một vùng quê êm đềm nào đó với ba cái ấm tử sa và ba lọ trà. Sau một ngày mệt mỏi, ta nôn nao muốn về nhà với những người bạn thân quen. Ta sẽ dành cả buổi tối, bình yên bên ba chiếc ấm cũ, tận hưởng hậu hương thuần vị trong tách trà, ngắm mặt trời từ từ lắp sau rặng núi xa xăm…

Gentle friend,
May your stream never end,
Changing generations of leaves and water
To golden cups of tranquility,
Long after I am gone.

Tri âm hỡi
Nếu mai này tôi vĩnh viễn ra đi
Trà quyện thắt xin lòng bền với nước
Thế hệ sau truyền lưu từ thuở trước
Chén vàng ươm lắng đọng cả bình yên
Và thời gian là nguồn mạch quyên duyên…

TTĐĐ, 09/09/2021
Ẩn Hạc
(dịch từ bài viết của Wu De – Global Tea Hut)

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus (0 )
error: Content is protected !!