TỬ SA HỒNG NÊ VÀ CHU NÊ
NHÓM HỒNG NÊ là một phân nhóm lớn được đặt tên theo màu sắc sau khi nung, theo cấu tạo khoáng thô và phân bố khoáng tầng có thể chia thành hai nhóm là: TỬ SA HỒNG NÊ và CHU NÊ. Mặc dù Tử sa hồng nê và Chu nê cùng được xếp vào nhóm hồng nê, nhưng tính chất khi tạo hình, quá trình sấy và nung, độ co ngót của nguyên liệu, hiệu ứng màu sắc và kết cấu bề mặt sau khi nung cũng khác nhau. Sau khi nung, chu nê có tỉ trọng lớn, khí khổng nhỏ và độ kết tinh tương đối cao, độ dẫn nhiệt tốt hơn so với tử sa hồng nê. Còn Tử sa hồng nê nhìn chung là tốt hơn chu nê về khả năng cách nhiệt và độ thoáng khí (khí khổng lớn hơn).
NHÓM HỒNG NÊ
NHÓM HỒNG NÊ là một phân nhóm lớn được đặt tên theo màu sắc sau khi nung, theo cấu tạo khoáng thô và phân bố khoáng tầng có thể chia thành hai nhóm là: TỬ SA HỒNG NÊ và CHU NÊ. Mặc dù Tử sa hồng nê và Chu nê cùng được xếp vào nhóm hồng nê, nhưng tính chất khi tạo hình, quá trình sấy và nung, độ co ngót của nguyên liệu, hiệu ứng màu sắc và kết cấu bề mặt sau khi nung cũng khác nhau. Sau khi nung, chu nê có tỉ trọng lớn, khí khổng nhỏ và độ kết tinh tương đối cao, độ dẫn nhiệt tốt hơn so với tử sa hồng nê. Còn Tử sa hồng nê nhìn chung là tốt hơn chu nê về khả năng cách nhiệt và độ thoáng khí (khí khổng lớn hơn).
TỬ SA HỒNG NÊ
Tử sa hồng nê là một loại bột kết thạch anh, ngày nay thường được gọi là HỒNG NÊ. Bề ngoài của vật liệu khoáng có nhiều tông màu từ đỏ đến vàng khác nhau, kết cấu nhìn chung đồng nhất và chứa một lượng nhỏ các mảnh mica trắng. Khoáng thô có nhiều dạng, cấu trúc dạng khối đặc, dễ nứt vỡ nhưng không tan trong nước. Hiện tại, nó chỉ được sản xuất ở núi Hoàng Long, thị trấn Đinh Thục. Các đặc tính kết cấu khác của nó gần giống với các đặc tính kết cấu của tử nê thông thường.
CHU NÊ
Chu nê là một loại đất sét dạng đá bùn (nê nham – đất sét đá). Nó chủ yếu được khai thác ở các dãy núi Triệu Trang Sa Sơn và Hồng Vệ Hương Sơn, Hoàng Long Sơn cũng khai thác được chu nê, mặc dù sản lượng chu nê Hoàng Long Sơn rất nhỏ nhưng chất lượng rất tuyệt vời. Nói chung, Chu nê Hoàng Long Sơn có thể khai thác được ở hai trạng thái khác nhau. Một loại được phân bố rộng rãi bên dưới lớp khoáng tầng hoàng thạch bề mặt, hình dạng nhỏ vụn, việc khai thác và lọc khoáng rất phức tạp và khó khăn, chất lượng quặng chu nê có sự khác biệt lớn giữa các địa điểm khai thác. Ngoài ra còn có thể sử dụng một phần nhỏ thạch hoàng nê được tạo thành trong các mỏ nộn nê lộ thiên bên dưới lớp mặc lục nê ở khu vực khai thác Bảo Sơn phối thêm chu nê hoặc sử dụng tử sa hồng nê chọn lọc phối thêm chu nê để tạo nên loại chu nê Hoàng Long Sơn nhân tạo.
Bề ngoài của quặng chu nê có màu vàng với nhiều sắc độ khác nhau, tính chất của đất sét có dạng khối đặc hoặc cấu trúc kết tụ, kết cầu tương đối đồng đều và mịn. Khoáng nguyên bản thường chứa một lượng nhỏ các mảnh mica mịn màu trắng, khi thêm nước tạo thành hỗn hợp sền sệt. Chu nê sau khi luyện đất có độ dẻo tốt và có thể chế tác mỏng và tinh xảo. Do hàm lượng sắt khác nhau, sau khi nung có thể có màu đỏ của chu sa (chu sa sắc), màu đỏ của chu sa ngả tím (chu sa tử) hoặc màu đỏ của hoa hải đường (hải đường hồng). (Chú thích của LT: “Chu sa sắc” là để chỉ màu sắc sau khi nung giống với màu sắc một loại khoáng thạch màu đỏ chứa sunfua thuỷ ngân và sunfua selen, thường được dùng trong các bài thuốc đông y, loại khoáng thạch này cũng được gọi là chu sa).
Chu nê là một loại khoáng tử sa có nhiều tranh luận và sản lượng cũng thấp. Câu nói “Vô chu bất trứu” (Không có chu nê nào không nhăn) và “Vô trứu bất chu” (Không nhăn thì không phải là chu nê) là không hoàn toàn đúng cũng không hoàn toàn sai. Bởi vì tỉ lệ hạt trong nguyên liệu chu nê là nhỏ cho nên nó dễ bị “nhăn” hoặc nứt. Tuy nhiên, có rất nhiều ấm tử sa chu nê không nhăn, nếu quan sát những ấm chu nê cổ thì cũng chỉ có một số ấm bị nhăn, nguyên nhân là độ co ngót khi sấy và nung là tương đối lớn nên dễ xảy ra nhiều lỗi như da ấm bị nhăn hay ấm bị biến dạng, bị méo. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất khi nung thấp.
Yếu tố tính chất của vật liệu khoáng Chu nê: Chu nê được khai thác ở Triệu Trang, Hồng vệ và những nơi khác có tỷ lệ co ngót và biến dạng lớn nên nhìn chung chỉ có thể dùng để chế tác những tác phẩm nhỏ. Phần lớn chu nê Hoàng Long Sơn có tính chất nằm giữa tử sa hồng nê và chu nê, hàm lượng hạt khoáng lớn, độ co ngót khi sấy và nung nhỏ, ít bị nhăn và biến dạng nên có thể dùng để làm những tác phẩm lớn hơn. Loại khoáng vật tương tự này có thể được tìm thấy trong một số ấm chu nê lớn hơn còn sót lại từ triều đại nhà Minh và nhà Thanh.
Yếu tố gia công chế biến nguyên liệu: do quặng chu nê có thể hòa tan trong nước tạo thành bùn, một số nguyên liệu quặng được lọc trực tiếp và sau đó làm khô thành bùn trong quá trình xử lý, và một số hạt trong nguyên liệu quặng được lọc hoặc hòa tan trực tiếp, dẫn đến Tỷ lệ hạt nguyên liệu thô bị giảm. Điều này cũng giống như việc sử dụng nguyên liệu đất sét tím với lưới quá mịn để làm các tác phẩm, cũng sẽ gây ra nếp nhăn.
Yếu tố chế tác và tạo hình: Khoáng chu nê sau khi luyện thành đất sét có tính chất rất dẻo và dính, tính thấm nước và bay hơi kém hơn các vật liệu tử sa khác do đó cần phải xử lý và chế tác cẩn thận. Nếu không đúng cách, các vết gia công trong quá trình chế tác rất dễ bị lộ ra sau khi nung.
Yếu tố nhiệt độ nung: Do khoáng nguyên bản chu nê sau khi luyện có độ mịn cao và lỗ xốp nhỏ nên hơi ẩm trong thành ấm không dễ thoát ra ngoài và tính kết tinh của nó hoạt động mạnh hơn trong quá trình kết tinh khi nung, đặc biệt là ở nhiệt độ tới hạn cao nhất. Do đó, thời gian gia nhiệt sơ bộ và làm khô trong quá trình thiêu kết lâu hơn so với tử sa hồng nê, và quá trình gia nhiệt và làm nguội cần rất chậm.
Muốn nâng cao hiệu suất của các sản phẩm chu nê, cần phải hiểu biết đầy đủ về chất lượng của các loại nguyên liệu chu nê và dần dần điều chỉnh cho phù hợp sau một thời gian dài thăm dò và thử nghiệm.
————————————————————–
Bàn luận thêm theo ý kiến chủ quan của người dịch:
– Nếu phân loại theo màu sắc sau khi nung thì Tử sa sẽ có 3 nhóm lớn là Tử nê (màu tím); Đoạn nê (màu vàng) và Hồng nê (màu đỏ) còn phân loại theo phân bố khoáng tầng và tính chất của khoáng tử sa nguyên bản sẽ có 5 nhóm lớn là Tử nê; Đoạn nê; Lục nê; Hồng nê và Chu nê.
– Trong Chu nê sẽ có 3 nhóm nhỏ cơ bản là Chu nê (lớp khoáng mỏng phân bố dưới lớp nộn nê có tính chất gần giống với đất sét), loại chu nê này hiện nay hầu như đã tuyệt chủng do chỉ là một lớp mỏng và chỉ tập trung ở những phần trũng, vấn đề này có thể tìm thấy ở một vài đoạn tài liệu rời rạc đánh giá là chất lượng chu nê ngày càng giảm đi theo thời gian từ thời nhà Minh – Thanh đến hiện tại. Chu sa (là những cục khoáng nhỏ nằm rải rác trong lớp chu nê mà Trương Ngọc Lâm gọi là Chu nê đại hồng bào); Tiểu hồng nê – Nga hoàng chu nê.
– Về Tử sa hồng nê (thường được gọi ngắn gọn là hồng nê) thì trong nhóm này đáng chú ý nhất là Đại hồng nê, nó là một loại khoáng được xếp vào nhóm hồng nê.
– Về Đại hồng bào, đây là một loại khoáng huyền thoại, không ai chắc chắn nó là thứ gì do tài liệu ngày xưa ghi chép thì không có hình ảnh chụp lại và những chiếc ấm cổ còn lưu truyền thì không ai dám khẳng định ấm nào là đại hồng bào để làm mẫu vật so sánh. Hiện tại, về đại hồng bào thì có 4 quan điểm:
- 1. Loại chu sa của Lưu Ngọc Lâm chính là đại hồng bào trong huyền thoại;
- 2. Đại hồng nê chính là đại hồng bào;
- 3. Loại chu nê chính tông hầu như đã tuyệt chủng thì bản thân nó chính là chu nê đại hồng bào;
- 4. Loại đất nhân tạo, phối oxit sắt tạo màu đỏ tươi cũng đang được gọi là đại hồng bào.
SG, 27/05/2022
Lão Tà – An Nhiên Tịnh Quán
(dịch từ “Nguyên liệu khoáng tử sa Nghi Hưng”)