TỬ SA DIÊU BIẾN
Tử sa diêu biến phản ánh đầy đủ vẻ đẹp của tử sa trong nghệ thuật nung lò củi, tiếp thêm sức mạnh vô hạn cho nghệ thuật tử sa, giống như những nét phác thảo tự nhiên trong bức tranh tử sa. Trong kĩ thuật nung tử sa diêu biến nghệ nhân nung tử sa không thay đổi thành phần, chất liệu và kết cấu của khoáng tử sa mà sử dụng loại khoáng tử sa nguyên bản, sau đó bằng kĩ thuật nung của mình tạo màu sắc tự nhiên, cá tính độc đáo, màu sắc phong phú một cách ngẫu nhiên, không thể sao chép cho tác phẩm tử sa.
Khoáng tử sa là một hỗn hợp gồm nhiều thành phần có tính chất vật lý, hoá học khác nhau nên trong quá trình nung gốm tử sa với nhiệt độ khác nhau, khí quyển khác nhau, qui trình nung khác nhau sẽ cho hiệu ứng màu sắc và kết cấu khác nhau dẫn đến sự thay đổi màu sắc của sản phẩm. Những tác phẩm này được đặt tên là “Tử sa diêu biến”.
Trong lịch sử gốm sứ, quá trình nung gốm thô, gốm tráng men, đồ sành và đồ sứ đều được thực hiện bằng lò rồng, những sản phẩm này thường xuất hiện vết lửa rất đẹp, nhưng những sản phẩm này thường bị bỏ đi vì bị xem là những sản phẩm lỗi. Quá trình nung gốm tử sa cũng giống như vậy, “tử sa diêu biến” không phải là một hiện tượng đặc biệt của sản phẩm nung mà bị xem như là sản phẩm lỗi, không có giá trị, xảy ra do quá trình nung không kỹ và sai kĩ thuật, đó là dấu hiệu của một sản phẩm vứt đi.
Trước đây, khi ấm tử sa được nung bằng lò rồng, quá trình cấp nhiệt, gia nhiệt và kiểm soát nhiệt được thực hiện bằng cách kiểm soát ngọn lửa từ củi, khi thiếu sự khéo léo và sự tỉ mỉ, những người thợ lò nung đôi khi sẽ làm ra những chiếc ấm tử sa như vậy, để tránh bị trừ lương, họ sẽ dùng rơm rạ hoặc troi bọc những chiếc ấm bị lỗi này rồi nung lại, màu thành phẩm sẽ đậm hơn, tối hơn một chút. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của thẩm mỹ hiện đại, các tác phẩm “tử sa diêu biến” giống như một vật thể trong tự nhiên, hiếm gặp và độc bản. “Tử sa diêu biến” trở thành khái niệm mới về vẻ đẹp của nghệ thuật tử sa, bổ sung một nét chấm phá cho nghệ thuật tử sa truyền thống và tạo ra một tiêu chuẩn thẩm mỹ mới cho nghệ thuật tử sa.
Kỹ thuật nung tử sa diêu biến phản ánh đầy đủ vẻ đẹp của tử sa trong nghệ thuật nung lò củi, tiếp thêm sức mạnh vô hạn cho nghệ thuật tử sa, giống như những nét phác thảo tự nhiên trong bức tranh tử sa. Trong kĩ thuật nung tử sa diêu biến nghệ nhân nung tử sa không thay đổi thành phần, chất liệu và kết cấu của khoáng tử sa mà sử dụng loại khoáng tử sa nguyên bản, sau đó bằng kĩ thuật nung của mình tạo màu sắc tự nhiên, cá tính độc đáo, màu sắc phong phú một cách ngẫu nhiên, không thể sao chép cho tác phẩm tử sa.
Tử sa diêu biến là một cuộc cách mạng của nghề thủ công tử sa. Nó cho phép nghệ nhân ấm tử sa sử dụng kĩ thuật nung để đạt được những hiệu ứng độc bản duy nhất, không thể sao chép thông qua những thay đổi tự nhiên về màu sắc trên bề mặt sản phẩm. Hình dạng, chât liệu giống nhau nhưng có màu sắc, kết cấu khác nhau, vì vậy nó được gọi tên là nghệ thuật tử sa diêu biến.
Kĩ thuật nung tử sa diêu biến được coi là một trong những kĩ thuật nung cực kì khó và phức tạp của kĩ thuật nung tử sa, đòi hỏi người nung cần có nghiên cứu chuyên sâu về chất liệu khoáng tử sa, kỹ năng và kinh nghiệm trong công nghệ nung và đam mê cống hiến cho nghệ thuật tử sa.
Điểm khác biệt giữa “tử sa diêu biến” và đồ gốm diêu biến thông thường đó là không chỉ là những quầng màu mơ màng, loang lổ hoặc bong tróc, lốm đốm mà còn là sự thay đổi màu sắc một cách ngẫu nhiên do sự tiếp xúc với nhiệt khác nhau trong quá trình nung dẫn đến sự biến chuyển màu sắc uyển chuyển như một bức tranh, độ “sâu” và “trong” của màu sắc, biến chuyển từ trong ra ngoài, từ điểm này đến điểm khác trên bề mặt sản phẩm.
Sự thay đổi màu sắc của ấm tử sa diêu biến cũng có thể tạo những màu sắc gần giống màu của nhiều loại di vật văn hóa, như là màu đồng xanh cổ kính như đồ đồng cổ, màu đồng thau như lư hương (hiệu ứng này gần giống với bề mặt loại khoáng tử sa nhân tạo Cổ Đồng Nê được tạo ra bằng cách phối trộn đoạn nê nhân tạo và quặng sắt, nên vẫn thường được sử dụng để làm giả ấm tử sa diêu biến hiệu ứng như đồ đồng gỉ sét); Màu sắt cổ bị gỉ sét (hiệu ứng này gần giống với bề mặt loại khoáng tử sa nhân tạo Cổ Thiết Nê được tạo ra bằng cách phối trộn tử nê nhân tạo và quặng sắt nên hay được sử dụng để làm giả ấm tử sa diêu biến có hiệu ứng sắt gỉ); Màu đỏ như đồ sơn mài cổ; Màu sọc đen trắng, màu nâu như gỗ gụ, màu vàng ngà như ngà voi cổ, màu xanh da trời như đồ sứ Tống, màu xanh nâu như mực tàu… Cái gọi là “Nhất sắc nhập diêu hựu đa sắc xuất diêu” (Đưa vào lò nung chỉ một màu và đưa khỏi lò là vô số màu sắc), tử sa diêu biến đã tạo ra một thế giới đa dạng về vẻ đẹp của tử sa, xứng danh là loài những tác phẩm độc nhất vô nhị trong nghệ thuật tử sa.
Những tác phẩm tử sa diêu biến hoàn hảo giống như những viên đá kỳ lạ, sự chuyển đổi màu sắc là tự nhiên, đa dạng, sặc sỡ cộng với đó là sự xuất hiện của những màu sắc hiếm; Sắc độ và màu sắc vừa phải là dấu vết đẹp của ngọn lửa;
Sự chuyển màu của tử sa diêu biến là sự biến đổi màu sắc tự nhiên, được hình thành do sự thay đổi của luồng không khí trong lò, đó là hiệu ứng màu sắc trên lớp da của thân ấm Sự chuyển giữa màu sắc và màu sắc là sự chuyển màu tự nhiên của tử sa diêu biến giống như màu trong tự nhiên. Sự thay đổi màu này không phải là màu duy nhất tạo ra sau khi nung, mà còn thay đổi theo thời gian và quá trình pha trà, màu sắc có thể trở thành màu xanh vàng, màu vàng lục, màu xanh lá cây hơi đỏ, màu vàng cam, màu xanh lục bảo, màu đỏ… nhưng tất cả thay đổi là những thay đổi màu sắc rất tự nhiên và ngẫu nhiên.
Sự thay đổi màu sắc của những chiếc ấm tử sa diêu biến làm phong phú màu sắc trong nghệ thuật của những chiếc ấm tử sa. Độ hiếm của ấm tử sa diêu biến là một khía cạnh quan trọng quyết định đến giá trị của những chiếc ấm vì quá trình chuyển màu của da ấm chịu ảnh hưởng rất lớn của qui trình nung, kĩ thuật nung và sự ngẫu nhiên nên mỗi tác phẩm tử sa diêu biến đều đảm bảo hiếm, đẹp và độc bản. Sự thay đổi màu sắc của tử sa diêu biến mang tính nghệ thuật, thăng hoa trong sự thay đổi. Nhiều hay ít, nông hay sâu, phổ biến hay hiếm hoi, âm dương bổ sung cho nhau, vô cùng tự nhiên, phản ánh trọn vẹn vẻ đẹp, đồng thời cũng là giá trị của tử sa.
Hiện nay, những tác phẩm “tử sa diêu biến” tốt là những tác phẩm có giá trị trên thị trường và được nhiều người sưu tập tử sa yêu thích, điều này góp phần làm đa dạng thú chơi sưu tầm và sử dụng ấm tử sa. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ “tử sa diêu biến” tốt và sản phẩm tử sa lỗi, đồng thời cũng cần có sự phân biệt rõ “tử sa diêu biến” và “tử sa giả diêu biến” được tạo ra bằng cách phối trộn khoáng tử sa nhân tạo hoặc sử dụng hoá chất gây cháy bề mặt, tạo sự đổi màu giả tạo trên bề mặt tác phẩm. Điều này đòi hỏi hiểu biết, kinh nghiệm, khả năng thẩm mỹ và sự tinh tế của chính bản thân người sưu tầm.
SG, 20/01/2022
Lão Tà – An Nhiên Tịnh Quán
(Tổng hợp và dịch)