TRÀ NGẤM VÀO THƠ, THƠ ĐƯỢM TRONG TRÀ

TRÀ NGẤM VÀO THƠ, THƠ ĐƯỢM TRONG TRÀ

– Biên luận về Trà với Thơ –
Kính gửi về quê cha đất mẹ Phú Thọ
” Chè ngon, nước chát xin mời
Nước non non nước, nghĩa người chớ quên. “
(Ca dao)

MỘT TRÀ, MỘT RƯỢU, MỘT THƠ CA

Người ta đã không nhầm tí tẹo nào khi bảo tại đâu có cái sự nhâm nhi trà (chè) và rượu, ở đó tất kèm theo thơ. Ngược lại, chỗ nào có thơ, hẳn nơi ấy hiện diện chén rượu, tách trà. Mà không phải chỉ ở xứ ta, khắp trên trái đất. Giữa nhiều khuynh hướng thơ xưa nay có một dòng thơ về rượu, có một dòng thơ về trà. Một trà, một rượu, một thơ ca… Và bạn yêu thơ có thể dùng câu trên đối lại câu từng ám ảnh bao trang nam nhi chi chí: Một trà, một rượu, một đàn bà…

Thơ về rượu và rượu với thơ, hẳn có vô số sáng tác, bài sách khảo cứu. Còn thơ về trà và trà với thơ cũng không kém cạnh. Có điều, bổn tính trà khiêm cung lại nghiêng về suy tư trầm mặc, chớ không bốc men lửa say sưa tình như rượu, thành thử ít được nổi.
Chúng tôi xin bình chọn đa phần từ các câu thơ về trà tham dự triển lãm “Trà và Thi ca” tại “Liên hoan Trà Thái Nguyên – Việt Nam năm 2015” (theo vannghethainguyen.vn) cùng một số câu thơ, tài liệu trong các bài của nhiều tác giả khác nhau như Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Đỗ Ngọc Quỹ, Huệ Minh, Thái Bá Tân, Đỗ Tiến Bảng, Vương Huy, Nguyễn Phượng, Huỳnh Chương Hưng…

CÂU THƠ ĐỪNG ĐẦU BẢNG TRÀ

Nó nằm trong bài cổ tương truyền chữ Hán với 4 câu hiếm ai từng nhấp dù chỉ nửa ngụm trà lại không xổ nho chùm: “Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh sổ trản trà/ Nhất nhật cứ như thử/ Lương y bất đáo gia.” Nguyễn Tuân, bậc văn nhân thượng thặng về ngôn từ Việt và ẩm thực Việt, ở tùy bút “Chén trà trong sương sớm”, từng chuyển nghĩa: “Mai sớm một tuần trà/ Canh khuya dăm chén rượu/ Mỗi ngày mỗi được thế/ Thày thuốc xa nhà ta.”

Một bí quyết sống đời! Khi biết khéo dùng thì trà và rượu hàng ngày sẽ như hai chân giữ vững tâm thế con người ta sinh tồn trên thiên địa đầy bất trắc. A, còn một cái chân nữa trong phiên bản khác dành cho các quý ông: câu thứ ba “Nhất nhật cứ như thử” được thay bằng một trong ba dị bản “Nhất nhật dâm nhất độ”, “Thất nhật dâm nhất độ”, “Bán nguyệt dâm nhất độ”. Bàn sâu nữa e quý bà lừ mắt quý cô chau mày!
Khác với rượu, trà được dùng bất kỳ trong ngày nhưng vào mỗi sáng sớm là tuyệt đỉnh – đó là chân lý giao lưu trà giữa khí của đất trời và thần của con người. Ngày nay y học hiện đại cho thấy trà là chất chống ung thư hiệu quả nhất. Qua thiên truyện, Nguyễn tiên sinh đã minh họa rất điệu nghệ chân lý này khi gắn với thi ca: “Sớm nay, cụ Ấm cũng ngâm thơ. (…) Mỗi buổi sớm ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất. Âu cũng là một quan niệm về vệ sinh của thời cũ. Và người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh.”

Có điều nơi trang viết súc tích mà dường như chưa bản văn tiếng Việt nào hay hơn khi bàn về dùng trà trong buổi sớm, Nguyễn thiếu “đất” để nhắc tới câu thơ đầu tiên của nguyên văn chữ Hán. Cái câu từng tạo théc méc từ biết bao nội tướng của các tửu đồ: Sao khi không đang đêm các chả được chồm dậy nốc tới ba chén rượu lận? Các cư dân mạng giải mã câu thơ cổ như vầy… Đông y vốn theo thuyết cân bằng Âm dương của kinh Dịch. Buổi tối là âm là tĩnh, con người lý tưởng nên ngủ sớm từ 8 giờ tối đến 12 giờ khuya. Ở thời khắc 1 giờ sáng hôm sau thiên hạ bắt đầu chuyển qua dương, qua trạng thái động thì ta nên thức dậy mà uống rượu. Uống lúc đó dạ dày sẽ vận hành nhẹ nhàng, thận lợi vô cùng. Còn sao phải đúng “tam bôi”? Thế mới hiệu quả, ít quá thuốc không thông, nhiều quá gan chuốc hại. Chú ý quan trọng: Cái đồ uống để người xưa “bán dạ tam bôi tửu” chính là ba chung rượu thuốc ngâm thảo dược, chứ đâu phải cuốc lủi ba xị đế, quyết không thể Brandy hay Vodka đâu mấy cha! Đừng bé cái nhầm mà chết (với) các bà!?

Như thế, các cụ dưỡng sinh bằng cách chỉ ngủ thật sự từ khoảng 8 giờ tối đến tầm 1 giờ sáng. Các giờ khắc sau chỉ là… ngủ chơi; mơ màng vớ vẩn. Thêm một điều “nhậy cảm”: các cụ ông thường thức dậy lúc 1 giờ sáng để đi tè và tránh mộng tinh. Tự thưởng ba chén rượu bổ bên đôi trang sách thánh hiền trong dương khí đất trời lan tỏa, há chẳng là đấng quân tử sao? Thôi, cho qua cái vụ rượu luôn rắc rối tơ. Hứa, trở xuống chỉ tuyền chuyện trà và nếu có bị dính tí rượu vào cũng sẽ thanh tao.
Nối tiếp “Bình minh sổ trản trà”, không biết đã có bao nhiêu vần thơ tương tự lưu danh?
“Uống trà trong nắng sớm/ Vườn tâm đầy hương hoa” của Viên Ngộ, thiền sư sáng lập chùa Lan Nhã từ đầu thế kỷ 19 nổi danh với nhiều giai thoại đem mạng sống của mình hành đạo. Hai chữ “vườn tâm” gói cả người, trà và thiên nhiên lại. Học giả có tiếng trong nhiều thập niên qua, nhà lãnh đạo tinh thần của phật giáo, văn-thi sĩ, dịch giả uy tín Tuệ Sỹ đã có những câu tưởng như ai cũng viết được: “Sương mai lịm khói trà/ Gió lạnh vuốt tờ hoa/ Nhè nhẹ tay nâng bút/ Nghe lòng rộn âm ba.”
Các nhà thơ đương đại khác, mỗi người một cách. Với Tràm Cà Mau là niềm luyến ái khi hạnh phúc nam nữ thăng hoa và hân khoái vào giờ chào ngày mới: “Cùng em nâng chén trà hương/ Khi ngày mới chớm khói sương mịt mờ/ Trăm năm thu ngắn một giờ/ An vui hạnh phúc bên bờ thần tiên.” Còn Trần Ngọc Tuấn phải đối diện trước bàn trà ban mai sau một đêm vượt thắng chính mình: “Qua đêm phiền não tan rồi/ Ấm ly trà sớm ta ngồi với ta/ Hiên ngoài vài giọt sương sa/ Tan trên chồi biếc chan hòa nắng mai.” Vâng, ở giao thời ngày đêm trà đã bảo hành cho một tương lai đẹp sau cái quá khứ tồi.

TRÀ, NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG THƯỜNG NHẬT

Không chỉ với sáng, có thể uống trà trưa, chiều, tối, đêm tại bất cứ cơ hội nào trong ngày, trong tháng của một người, một nhóm người thân sơ bất kể. Ở xứ Nam ta thói quen uống trà cũng như hàng ngày ăn cơm.
Nguyễn Du hãn hữu “dùng trà” trong kiệt tác Truyện Kiều thì phải? (Quý bạn nào rành hãy cho biết?) Chúng tôi sẽ lần tìm sau, còn đây câu thơ xao xuyến về nghệ thuật và bản lề về nội dung mà ai cũng nhớ: “Khi hương sớm khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn.” Gặp Thúc Sinh là đỉnh cao tình cảm dẫn tới vực sâu đầy đọa của Thúy Kiều, đại thi hào đã dành hết lời cạn ý cho trường đoạn này với nhiều câu đóng đinh bảng vàng các câu thơ hay Việt Nam, trong đó hai câu tiếp ngay sau câu “trà trưa” là: “Miệt mài trong cuộc truy hoan/ Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình.”
“Thư nhàn xin lửa pha trà mới/ Vui thú bên thông ngắm chiều qua”: mới đọc qua khó đoán đến từ Cao Bá Quát. Vị thánh của ngôi đền thi ca dân tộc hẳn đã dùng trà sớm, trà trưa mà vẫn chưa “phê”. Phải thêm vài chiêu trà chiều, thậm chí lân sang trà tối, trà đêm mới “qua” hết một khoảnh “thư nhàn” trong suốt cuộc đời oan nghiệt và lẫm liệt của mình.
“Trà tối” của Pentti Saarikoski là đoản thi lời chữ tựa lông hồng trong ý tứ ngàn cân. Trà ở thơ thời nay chỉ cớ. Vu vơ và vẫn vô vi. Cơm tối xong xuôi, “nhấp chén trà tối” là chuyện nhỏ của triệu triệu người trên khắp hành tinh, nhất là ở xứ lạnh sương mù như Anh quốc, Bắc Âu. Nhưng ở nhà thơ Phần Lan này, đó là chuyện lớn: uống trà là uống… “đầu Xtalin”! Chắc chắn bài này dự phần vào việc thơ Saarikoski được đánh giá là “rất đặc biệt, thường được so sánh với thơ cổ Hy Lạp vì chúng ngắn, với các khúc bi thương, những bài trào phúng và những đoạn, mẩu rời rạc (…), được coi là mẫu mực của thơ ca Phần Lan thập kỷ 1960.” (Theo thivien.net). Chúng tôi bảo đảm với quý bạn rằng trong mười ngón tay của mình đang gõ máy đây đã phục sẵn một bài bình hào hứng về thi phẩm xuất sắc “Trà tối”. Nói nhanh: tác giả kết hợp điệu nghệ hai thủ pháp quen thuộc dễ làm nên một bài thơ thế sự đã súc tích lại còn choáng váng: điểm rơi (tên bài; cuối bài) và từ khóa (“Trà”; “Xtalin”).

Mời đọc toàn bộ bài thơ, qua bản dịch trôi như lụa bén tựa dao của nhị vị Bùi Việt Hoa và Ngô Thế Oanh, từng xuất hiện lần đầu trong tạp chí Văn học Nước ngoài (Hội Nhà văn Việt Nam) ra năm 1997 số Chuyên đề Văn học Phần Lan:
“Tôi nhấp chén trà tối/ đọc sách/ ngồi trên bến cảng/ những người khác đang làm gì trong nhà họ/ tôi phỏng đoán/ soi đèn pin xuống dưới cầu tàu/ nơi những con tôm và cá vược đang bơi/ tôi/ nhìn lên trời/ mùa thu đang ở gần anh/ tôi vào trong nhà/ tôi lên cầu thang/ trí sáng suốt như trước giờ tận số/ trên chiếc giường trẻ con là tấm chăn màu đỏ/ bé con đặt tay sau gáy nằm dễ thương sao/ tôi ra sân/ rồi lại quay vào/ đêm đã xuống/ tôi lặng ngồi nhìn ngắm/ qua đầu Xtalin.”
Sợ mất ngủ, ngại trà đêm. Phải thôi, trừ sự bất khả kháng. Như giải bày tâm sự lớn cho suôn sẻ, cảm thông. Hoặc xử lý việc éo le bất ngờ, như ở bài “Hàn dạ” của thi sĩ Đỗ Lỗi đời Tống: “Hàn dạ khách lai trà đương tửu/ Trực lô thang phí hỏa sơ hồng/ Tầm thường nhất dạng song tiền nguyệt/ Tài hữu mai hoa tiện bất đồng.” (Đêm lạnh khách qua trà thay rượu/ Lửa vừa mới bén nước đang sôi/ Ánh trăng trước cửa càng đơn lẻ/ Hay muốn thay hoa chuốc ngậm ngùi.”) Giống cô em hiền thục, những khi cần trà có thể giúp đỡ rượu – ông anh nóng tính và sôi nổi.

TỪ TRÀ ĐẾN THIỀN
Lẽ tự nhiên các thiền sư làm nhiều thơ về trà. Trà và thiền là một, như lời cổ nhân “Trà vị thiền vị thị nhất vị”. Cùng xuất phát từ Trung Quốc, trà có trước từ rất lâu, khoảng triều nhà Thương (1600 TCN – 1046 TCN), nhưng người cổ xưa chưa biết khai thác ngay tính thiền trong thứ nước uống thần diệu đó. Thiền bắt nguồn từ đạo Phật ở Ấn Độ mà chỉ khi được lan truyền và phát triển ở Trung Quốc vào tầm thế kỷ thứ 6 – thứ 7 mới trở thành một tông phái tác động lên xã hội. Cũng từ thời đó, uống trà đã thành nghi thức hàng ngày trong các tu viện phật giáo Trung Hoa.
Tập thiền và thưởng trà cùng một kết quả: tâm thăng hoa, hồn thuần khiết. Và một trong các phương pháp thiền tông là uống trà, được gọi là trà thiền. Chẳng thế, chuyên gia hàng đầu và cũng là một nhà quản lý về công nghệ trà Việt Nam PGS Đỗ Ngọc Quỹ cho rằng “trong cuộc sống, để được thanh nhàn trước thế sự trần tục mênh mông bể khổ, uống trà còn biểu hiện một sự ẩn mình trong đáy lòng để nhìn lại sự đời đầy trắc ẩn khôn lường.”
Trong 10 bài hát thực tập chánh niệm có thi kệ bất hủ là “Thiền trà”; tin là bạn đọc dẫu không nghiện trà cũng chẳng ham thiền vẫn từng biết vài câu ý trong bài: “Chén trà trong hai tay/ Chánh niệm dâng tròn đầy/ Thân và tâm an trú/ Bây giờ và ở đây/ Khi uống chén trà trong/ ta nhớ cội nhớ nguồn/ Khi nhấm chén trà thơm/ hỏi nước đến từ đâu/ Nước từ nguồn suối cao/ nước từ lòng đất sâu/ Nước mầu nhiệm tuôn chảy/ Ơn nước luôn tràn đầy.” (Theo langmai.org) Bây giờ và ở đây – đó là điều hệ trọng nhất của thiền tông. Hiện tại (thiền, chánh niệm) là đến từ quá khứ (trà, nước). Biện chứng quá rồi còn gì!
Thiền sư, nhà thơ hiện đại Phạm Thiên Thư, người từng dịch kinh phật ra thơ Việt cũng góp lời về trà: “Đốt trầm hương lên/ Ngâm bài cổ thi/ Khoác áo dài nâu/ Thưởng trà đạo vị.” Vẫn như thế với: “Nhặt chút hương tĩnh lặng/ Hãm chung trà vô vi/ Cùng cảo thơm thi bút/ Mời bằng hữu cố tri.” (Mai Quang). Hay: “Nhẹ nâng một chén trà thiền/ Bình tâm nhìn khói ưu phiền thoảng bay/ Cuộc đời một giấc mộng say/ Trăm năm nhìn lại, mới hay, vô thường.” (Thiện Hùng)

TRÀ ĐẠO NHẬT VỚI THƠ HAIKU

Đến cuối thế kỷ 12, tiếp thu văn hóa trà từ Trung Hoa, các thiền sư Nhật đã chuyển hóa việc dùng trà bình thường sang nghi lễ chuẩn bị và phong cách thưởng thức trà xanh và đã khai sinh ra Trà đạo. Như một cuộc cách mạng trong các phương pháp tu thiền, trà đạo trở thành một đạo lý, một mỹ học mang bản sắc thuần Nhật; đó là, đầu tiên phải nhập mình vào thiên nhiên, thứ đến tu chỉnh tâm nuôi dưỡng tính và cuối cùng giác ngộ. Tức, trà đạo có nhiều nét tương đồng với thiền tông.
Và như thế, sau thiền tông, trà đạo đã chuẩn bị như một “VIP” tham gia vào thơ haiku được ra đời vào thế kỉ 17 như một quốc hồn quốc túy Nhật về văn học. Thiền sư thi sĩ xuất chúng Matsuo Basho chính là cha đẻ thể thơ ngắn nhất thế giới đó, với thông thường chỉ 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5.

Đã đến lúc cống hiến bạn đọc một điều tra thú vị: Theo tuyển chọn kèm bản dịch của Thái Bá Tân với 800 bài haiku của Basho, chúng tôi “mò” ra cả thảy 17 bài có trà là nhân vật, đối tượng chính (còn với rượu là 10 bài). Thật ngẫu nhiên ở con số 17 – số xương cốt làm nên một bài haiku. Dưới đây là toàn bộ 17 lần Basho “dùng trà”, được đánh số lần lượt theo trình tự của nguồn chọn bmmua.com:
1. “Uống trà sáng/ Nhà sư/ Lặng im như hoa cúc.”;
2. “Bên chén trà buổi sáng/ Sư thanh thản, lòng thiền/ Hoa cúc nở.”;
3. “Núi Phú Sĩ/ Như con bọ chét trên nắp/ Chiếc cối nghiền trà.”;
4. “Sống thanh đạm/ Người ngắm trăng cô đơn/ Hát về trà Nara.”;
5. “Gật gù trên lưng ngựa/ Tít trên cao trăng ngái ngủ/ Mờ mờ như khói trà sớm.”;
6. “Cái vồ đập đất/ Vốn là cây hoa trà/ Hay cây mận?”;
7. “Năm, sáu người/ Ngồi uống trà, ăn bánh/ Bếp lửa.”;
8. “Mở ấm trà/ Lại nhớ/ Vườn Sakai.”;
9. “Đường tới Sugura/ Hoa cam/ Có mùi trà mới.”;
10. “Sắp thu/ Các trái tim xích lại gần hơn/ Khi đến phòng trà này.”;
11. “Gió nhẹ thổi từ sông/ Chè ngon, rượu ngon/ Đêm trăng cũng đẹp.”;
12. “Người hái chè không biết/ Với những cây chè/ Họ là ngọn gió thu.”;
13. “Ngồi nghỉ trong bóng cây/ Những người hái chè/ Nghe tiếng chim cu đang bay.”;
14. “Lều tranh đơn sơ/ Lá chè vò xong/ Giông cũng tan.”;
15. “Nhặt chè chưa?/ Đừng quên ủ héo/ Những đợt gió thu.”;
16. “Hoa vàng ở Uji/ Thơm/ Như mùi lá chè sao trên lửa nhỏ.”;
17. “Tự giấu mình như thế/ Người hái chè/ Có nghe tiếng chim cu?”.
Đồ của đại sư tổ phải “chuẩn không cần chỉnh” rồi! Song thú thiệt có đến non nửa khiến kẻ hèn (lại lười tra cứu) là chúng tôi chưa hiểu, tỉ như các bài có địa danh. Có 3-4 bài tâm phục khẩu phục (Các bài số 1; 6; 14). Cũng ngần ấy bài “vừa”, theo kiểu “Bài hay xen lẫn với bài vừa” (7; 11). Chưa thấy bài nào kiệt tác kiểu như bài “Con ếch” làm nên thi hiệu Basho.

TRÀ, ÔNG TƠ BÀ NGUYỆT

Trà là chính chủ cho đám hỏi, lễ cưới. Các nhà thơ còn nhìn thấy vật báu mộc mạc này có mặt trên từng cây số đường tình duyên.
Đệ nhất thượng đẳng thơ-tình-chân-quê Nguyễn Bính với thi phẩm “Trăng sáng vườn chè” đã dùng “vườn chè” như một không gian nghệ thuật để đan dệt tính đảm đang, thu vén giữa giấc mộng trăm năm nuôi chồng đi thi của người phụ nữ xưa. Trong khuôn khổ 9 cặp lục bát không thể hoàn hảo hơn về kỹ thuật vần điệu, thi đoản thời Thơ mới Âu hóa tràn ngập nước Nam sao mà như áng văn vần dân gian thiên thu Việt! Dẫu đã nằm lòng mỗi chúng ta, vẫn muốn dẫn lại 2 câu đầu, 4 câu giữa và 2 câu cuối: “Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau (…) Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bõ công đèn sách từ ngày lấy tôi (…) Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa/ ‘Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng’ (…) Đêm nay mới thật là đêm/ Ai đem trăng sáng giãi lên vườn chè.”
Các nhà trữ tình ở thời “hẹn hò cà phê chát chít” cũng không thể nào bỏ qua trà. Hơi ngoa chút xíu, Nguyễn Đức Hạnh dựng lên hình ảnh độc đáo: không gian chè lan tỏa quấn quít như chiếc khăn người yêu trao gửi: “Chọn hương chè làm khăn quàng cổ/ Nên thương ai thơm ngát trọn đời.” Trong khi với Dương Đăng thì “Em như búp trà nhỏ/ Ta củi lửa thêm hương/ Đông về giăng sương trắng/ Bên em, lạc cung đường.” Nàng là búp trà, chàng là củi lửa; không nên duyên mới lạ! Già dặn và đau đời hơn, như Hoàng Năng Trọng: “Ví không sánh chát từ xanh tóc/ Đâu dễ dư hương đến bạc đầu/ Trăm tuổi người đi trà ở lại/ Khói sương lãng đãng để bền lâu.” Đời người đấy hay đời trà đây?

TRÀ, BÀN TAY BẠN HỮU

Khách đến mời trà là phong tục phổ biến của rất nhiều dân tộc, từ Á qua Âu. Với văn hóa Trung Hoa, “khách lai kính trà” là một mĩ tục đạt đến tầm nghệ thuật. Ở nước ta cũng gần vậy. “Chén trà là đầu câu chuyện”. Uống trà kết bạn, chuyện trò giao hảo, trong nhà ngoài ngõ… Thơ không thể bỏ qua, vì tại các hội ngộ có không ít người thơ.
Trong “Ngũ ngôn nguyệt dạ xuyết trà liên cú” đời Đường thấy câu: “Phiếm hoa yêu tọa khách/ Đại ẩm dẫn thanh ngôn.” (“Mời bạn đến nhà thưởng hoa/ Lấy trà thay rượu cùng nhau trò chuyện.” Lại dính đến rượu rồi! Viên Chiếu, một trong 7 vị thiền sư thuộc hệ 7 dòng Vô Ngôn Thông, cũng là anh em họ với vua Lý Thánh Tông có hai câu thơ được đời sau dịch lại: “Tiễn chân ai bước đường xa/ Miệng cười đưa một bình trà tặng nhau”. Hay thế! Cao đẹp quá, và tài quá, tình quá! Dễ hình dung, “chân” và “miệng” là hai hoán dụ đối ngẫu trong câu lục câu bát. Thoắt, cả cái bình trà (đâu phải nhỏ gọn) lại có thể nở hoa trên miệng. Miệng hoa, bởi tâm hoa. Hành vi tặng bình trà vụt trở nên sang cả. Nhớ ca dao “Mình về mình nhớ ta chăng/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.”
Thi bá thời hiện đại với Bàn Thành Tứ Hữu lừng danh một thuở là Quách Tấn đã hạ những câu trở thành kinh điển: “Hương trà chưa cạn chén hàn ôn/ Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn/ Ngắm vợi mây thu ùn mặt biển/ Gác chuông thành cổ đọng hoàng hôn”. Đủ thấy trà là nhân vật lớn trong cuộc chia ly bằng hữu trước trời thu biển rộng thành sâu. Như trong những “Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn” (Bà Huyện Thanh quan), “Tiệc rồi giãi chuyện hàn ôn/ Gấm chen vẻ quý, rượu ngon giọng tình.” (Nhị Độ Mai), “chén hàn ôn” là cụm từ mà đám tuổi teen thời a-còng kêu là “ngồi cà-phê tám chuyện thời tiết”.
Hậu sinh cứ thế mà theo: “Thèm bấy lâu nay một ngụm trà/ Ngóng người tri kỷ tận nơi xa/ Hương trà xứ ấy lòng còn lắng/ Dẫu có bao xuân vị chẳng nhòa.” (Đăng Học)
“Nhà lá đơn sơ/ Tấm lòng rộng mở/ Nồi cơm nấu dở/ Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.” Về thi điệu đúng là “nhịp hải hà”. Nào cần chi “đáy đĩa”, chỉ là “nồi cơm”, “bát nước”. Hoàng Trung Thông, nhà thơ đại biểu thời cách mạng, vốn tinh thông văn hóa truyền thống Hán-Việt, đã lưu được “bát nước chè xanh” vào kho tàng văn học trong những tháng năm sau toàn quốc kháng chiến bằng hình ảnh và bút pháp dung dị nhất, Việt tính nhất.
Cũng thế, người tiên phong thơ ca cách mạng và chiến tranh Tố Hữu để đời qua những vần thơ thấp thoáng cây trè Việt trong năm hòa bình vừa về lại trên hai nửa đất Việ trời Nam: “Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô, hò ơ tiếng hát/ Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca.”

TRÀ, HẠNH PHÚC NHÀN TẢN

Nếu định nghĩa hạnh phúc là nhàn tản thì uống trà sẽ đến hạnh phúc nhanh và dễ nhất. “Thi sĩ thảo dân” Nguyễn Duy đã nhìn ra, qua những người khách lạ trưa hè tạt quán nhỏ đường trường hay bà mẹ quê gập lưng còng miệng cười móm mém nhai trầu trước hiên nhà ngóng con; “Nước chè tươi rót vàng mơ/ Đôi khi hạnh phúc đơn sơ vô cùng.” Cũng như thế những căn nhà dù tồi tàn cô quạnh hay gác tía lầu phượng đều có thể trở nên sống động trong chốc lát, vì “Mỗi sớm pha ấm trà/ Niềm vui đến chật nhà.” (Phạm Thuận Thành).

TRÀ VÀ THI SĨ, VĂN NHÂN

Trong trà có chất thơ, có người thơ. Kể về việc thơ những khi dùng trà là điều dễ dàng với thi sĩ.
Ông tổ Đông y Việt Nam, và cũng là nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có những vần thơ tâm đắc về trà: “Danh trà yêu khách ẩm/ Đàm tiếu xuất hương yên. (Mời khách uống thứ trà ngon/ Nói cười thoảng hương bay.”) Luật nhân quả về giao đãi giữa văn nhân, nhận vào mình thức ngon quý từ bạn hiền thì hành vi phát ra nên đẹp đẽ. Hay: “Trà biết thi hoa thiểu/ Cầm dư khách tứ đa. (Hết trà, thơ nghĩ không ra/ Buông đàn nỗi khách lại là chứa chan.”) Thưởng trà ít cũng mươi phút, nhiều là già buổi. Mà thơ chưa chịu về cho, may có tiếng đàn đãi khách thâm tình. Làm thơ khó sao!

Hơn hai thế kỷ sau, có hậu sinh tài năng là Yến Lan trong một bài tứ tuyệt đã nảy tứ thơ tương tự: “Chè đọt đang kỳ điểm lá ba/ Giọt sương lách tách cửa song nhòa/ Thơ ngồi suốt buổi không ra tứ/ Cháu đã đun tràn ấm nước pha.” Trà ngoài vườn thúc dục, trà trong ấm vẫy gọi; thi cảnh bên hiên ám ảnh, đứa cháu ngoan hầu quanh. Sướng bằng giời, thi sĩ vẫn bất lực trước Nàng thơ đỏng đảnh. Âu cũng chuyện thường tình. Của thơ, mà trà rất thấu.
Không bất ngờ khi “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”, cụ ông Tam Nguyên Yên Đổ độc ẩm với tách trà một tay thi tập một tay nhàn tản cùng cây cỏ cảnh quê: “Khi vườn sau, khi sân trước/ Khi điếu thuốc, khi miếng trầu/ Khi trà chuyên năm ba chén/ Khi Kiều lẩy một đôi câu.”
Với văn nhân văn hóa thế giới, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: “Say mùi đạo, chè ba chén/ Tả lòng phiền, thơ bốn câu.” Lời tiên tri: “lòng phiền” của thi nhân mà “chè ba chén” thấu hiểu mãi nhiều thập niên sau mới hiển lộ và nhiều thế kỷ sau chưa hiểu thấu.
Ta hãy dừng lại với Ức Trai. Ngay từ năm 1435, chính con người bách khoa đó đã thảo pho sách “Dư địa chí” với câu khai mở: “Nước ta mới mở gồm có sông núi, phía đông giáp biển, phía tây đến nước Thục, phía nam đến Chiêm thành, phía bắc đến hồ Động đình.(trong hồ có hai quả núi: một núi gọi là Quân sơn, núi ấy sản thứ hồng quất, thứ trà tước thiệt, thứ trúc đồi mồi). Trà tước thiệt là thứ trà nhỏ như lưỡi chim sẻ, đã nổi tiếng từ thời cổ và đã được coi là sản vật quí của nước Việt cổ.”
Cùng “Ức Trai thi tập” là thơ chữ Hán, với “Quốc âm thi tập”, người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam đã nhiều dịp đưa trà vào thơ như đối tượng thiền vị, để nói lên tư tưởng nhân sinh hài hòa tam giáo Nho, Phật và Đạo. Dưới đây là một số câu thơ tiêu biểu (dẫn theo Huệ Minh và Đỗ Ngọc Quỹ):
“Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóng/ Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu.”; “Say minh nguyệt, chè ba chén/ Thú thanh phong, lều một gian.”; “Bao giờ lều cỏ núi mây/ Pha trà nước suối, gối say đá mềm.”; “Cuộc lần cờ thấp tan ngày diễn/ Bếp thắng chè thô cởi thuở âu.”; “Mây tỏa đầy nhà mai đốt bách/ Tùng reo quanh gối, tối đun trà.”; “Thắp hư ơng trư ớc án, bên mai lũy/ Quét tuyết đun trà, tr ước trúc hiên.”; “Chè tiên nước ghín bầu in nguyệt/ Mai rụng hoa đeo bóng cách song.”; “Khách đến chim mừng hoa xẩy rụng/ Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về.” (Ghín: gánh – theo âm Việt cổ)”; “Cởi tục chè thường pha nước tuyết/ Tìm trong thanh vắng tịn chè mai.” (Tịn: tận, cùng, hết); “Bàn bạc lòng nhàn cái quýt chè/ Đòi thuở khó khăn chăng xuýt ải” (Cái = vợ; nghĩa: khi nhàn không người trò chuyện thì có cây quýt chè làm bạn giải buồn, ra chơi cùng cây chè giống như bàn bạc với vợ; Xuýt ải: xuýt xoa, phàn nàn.)

TRÀ, CA DAO

Là đặc sản văn hóa Việt, vậy ca dao đã “uống trà” thế nào? Ai cũng muốn hỏi vậy. Trả lời nó ít nhất tốn cũng một luận văn tiến sĩ thứ thiệt. Ở đây chỉ đưa ra thống kê nhanh như trên với thơ haiku Basho. Những con số biết nói, dù là nói nhỏ.
Từ bộ sưu tập của Wikiquote (vi.wikiquote.org) “Ca dao Việt Nam” với hơn 650 cặp lục bát, chúng tôi lại “lần” ra được 5 câu về trà (và với rượu là 7) như sau:
1. “Đi đâu mà bỏ mẹ già/ Gối nghiêng ai sửa, tách trà ai dâng.”;
2. “Người ta rượu sớm trà trưa/ Thân em đi sớm về trưa cả đời.”;
3. “Chú tôi hay tửu hay tăm/ Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.”;
4. “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ nồi cơm nguội, nhớ riêu nước chè.”;
5. “Ai về Hà Tĩnh thì về/ Mặc lụa chợ Hạ, uống chè hương sen.”
Đủ các sắc màu tình cảm! Thân thương là câu số 1. Tội nghiệp ở câu 2. Đáng trách với câu 3. Buồn buồn sao câu 4. Vui vui nhỉ câu 5. Ấy thế nhưng, theo hiểu biết chưa đầy đủ của chúng tôi, cái câu ca dao về trà tuyệt hơn cả được chọn làm đề từ cho toàn bài lại không có trong tuyển chọn này. Nếu có ta sẽ nói: Cao cả như câu 6.

TRÀ, TRƯỜNG CA

Vào giữa năm 2011 nhà thơ Phạm Văn Sau cho ra mắt tập sách “Lục bát Trà” gồm 4889 câu thơ theo thể lục bát truyền thống. Đây như một “hiện tượng kép”, về nghệ thuật và về nội dung: lần đầu tiên có một công trình tìm hiểu về trà bằng thơ Việt, và cũng lần đầu tiên hình thức thơ trường ca Việt có một tác phẩm lấy trà làm đối tượng văn học. Có thể đây còn là lần đầu tiên trên thế giới, cả về nghệ thuật thơ lẫn về lịch sử trà?
Những câu khai mở: “Thú đời lẫn lộn sạch nhơ/ Chén trà tinh khiết thỏa mơ thú nhàn”, đến các thao tác pha trà: “Ngón hoa nâng ấm xoay nghiêng/ Đường cong hư huyễn phong duyên kín vào/ Nghe từng cánh nở xôn xao/ Phút giây giao hội ngạt ngào tỏa hương”. Cứ thế qua 6 chương chỉn chu mang từng chủ đề như một khảo cứu khoa học: Chương 1: “Trà Việt – nôi phát sinh”, Chương 2: “Trà Trung Hoa – nôi phát triển”, Chương 3: “Trà Nhật – nôi thăng hoa trà đạo”, Chương 4: “Tản mạn trà”, Chương 5: “Trà Việt – Trà phong”, Chương 6: “Thần và hồn trà Việt siêu thăng”, tác giả đã suôn sẻ, lôi cuốn và mượt mà kể mọi thứ về trà bằng thơ: từ lịch sử nguồn gốc phát sinh, phát triển đến các giai thoại, điển tích, những nhân vật nổi tiếng trong nghệ thuật thẩm trà…
“Trước kỷ thứ bảy, Trung Hoa/ Trà – phương bắc biết thông qua láng giềng/ Phương nam cung tiến thường niên/ Man di, Mông, Địch kể bên cũng là/ Sử ghi Việt Cổ xưa xa/ Cống nạp cây quý: quế, trà, trầm hương.”
Chén trà dẫn người đọc đến minh chủ Đại Việt Trần Nhân Tông: “Hồn trà mách bảo: dụng nhu địch cường” và “Hồn trà xoay chuyển phù vân cõi này”. Siêu nhất là trà với Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Nhấp – sơ tính thử, giật mình/ Một ngàn năm rõ khuôn hình càn khôn”. Nguyễn Du thì chỉ có thể với “Chén thân phận ngấm nỗi đời huyễn hư”.
Tư tưởng và cấu tứ luận đề của trường ca “Lục bát trà” được thấy rõ qua bài điểm sách của nhà thơ Vương Huy: “Về tinh thần, cái xuyên suốt chi phối toàn bộ tác phẩm là cách thưởng ngoạn Trà. (…) logic xương sống của thi phẩm là một chữ Trà, một chuyện về Trà (….) tác giả bung phá ra mọi góc độ theo đà thuận tay, thuận trí, thuận tình với đầy đủ cả nội hàm, ngoại diên của triết học. Đó là cái ý chí và trường lực sáng tạo thi triết kinh người của thi sĩ Phạm Văn Sau. Đọc “Lục bát Trà” chỉ thấy Việt. Việt trong từng câu chữ ý lời. Việt trong cách suy ngẫm. Việt trong thể tính thơ. Việt trong cái lần hồi sử tịch địa quán. Việt trong hồn và xác. Việt nguyên căn. Việt tính. Cái truân chuyên của Trà cũng là cái truân chuyên của Việt.”
Tất cả gói ghém trong tấm áo chữ nghĩa Việt: thơ lục bát. Đừng quên, tác giả Phạm Văn Sau còn là dân đất Thần Kinh – nơi có trà đạo Huế trở thành tập tục Việt kể từ triều nhà Nguyễn.
Câu thơ về trà thích nhất của người viết
Với quan niệm thơ hay ở chỗ tạo ám ảnh. Ngày xuân bên “chén trà hàn ôn”, muốn cởi lòng cùng bạn bốn phương điều này: “Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Không đổi giọng Tân Cương” là câu thơ chúng tôi thích nhất, về trà. Người thơ phải đeo tới 3 tiêu chí “tài cao”, “phận thấp”, “chí khí uất” mới sinh sản ra tuyệt bút đến thế. Một loại tuyệt bút không phải nhờ “trời ban”, mà bởi “đất hành”: án văn Nhân văn – Giai phẩm!
Nó ám ảnh kể từ lần đọc đầu tiên đến giờ còn ám ảnh. Nó ám ảnh mỗi khi cầm mãi chén trà nóng bỏng đến lúc nguội tanh mà lòng vẫn bất an, hạnh phúc đâu chẳng thấy, thiền hành sao không nổi. Nó ám ảnh mỗi dịp đọc lại thơ Phùng Cung, đọc về Phùng Cung, về các thi phận tương tự. Nói gọn, nó ánh ảnh và ám ảnh và ám ảnh.
Ai đã mê thơ của tác giả “Con ngựa già của Chúa Trịnh” thì thấy sự cởi lòng từ chúng tôi không mới mẻ. Thì vẫn. Chỉ là đấm vào cánh cửa đã mở: đã có tới hàng trăm lời khen tụng, cả tá bài, đoạn bình ba dòng thơ trên. Thì vẫn. Ngắn, nhưng đó là nguyên một bài thơ. Cả thảy 14 chữ tính cả tên bài. Mà tên bài cũng ngắn như không còn gì ngắn hơn, lại bao la cũng tới hết chỗ bao la: “Trà”. Thế mới xứng tên bài thơ danh giá. Thế rồi cũng có tác giả bài báo nọ là bạn thân con trai nhà thơ đoan quyết tên bài thơ là “Không đổi giọng Tân Cương” cơ! Nghe rất “hoàn cảnh”! Lại còn một dị bản nữa về câu chót: “Chẳng đổi giọng Tân Cương”. Của đáng tội, tự điển dạy: “chẳng” biểu thị ý phủ định như từ “không”, nhưng với ý quả quyết hơn. Đúng với khí thơ toàn bài, với khí phách tác giả toàn cuộc đời. Song về âm điệu, bản sau nghe yếu hơn về khí thơ, nhẹ hơn về chất thơ. Phải không ạ?
Tân Cương! Các bạn hệ a-còng ưa chu du thiên hạ hơn là thăm thú giang san cẩm tú Tổ quốc hoặc mấy anh chị Tây ba lô mới học tiếng ta nhiều khi cứ tưởng ấy là một khu tự trị của nước Trung Hoa. Không, Tân Cương trong thơ họ Phùng đích thị khu vực Tân Cương thuộc tỉnh Thái Nguyên – được xem như thủ phủ trà Việt Nam (dù chỉ là tỉnh thành có diện tích trồng chè lớn thứ nhì đất nước, soán ngôi đầu là tỉnh Lâm Đồng với 25.000 ha.) Còn nữa, vẫn với khảo cứu của PGS Đỗ Ngọc Quỹ, “cây chè Thái Nguyên, theo sách cổ có nguồn gốc từ Phú Thọ. Công đầu thuộc về ông Đội Năm coi sóc vùng Tân Cương đã mang giống chè này về trồng, không ngờ với đặc điểm thổ nhưỡng tuyệt vời, chè trồng ở Thái Nguyên trở thành đệ nhất danh trà.” Bậc tiền bối nhiều công lao ấy, tên thật là Võ Văn Thiệt, đã di thực cây chè trong các năm đầu thập niên 1920. Và ở thập niên vừa qua, trà Tân Cương 90 năm tuổi đã trở thành thương hiệu trà toàn cầu với Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 3 vào năm 2015. Ở nơi suối vàng Phùng thi nhân cũng cả cười khi dự phóng trước mấy thập niên về một “giọng-Tân-Cương” giữa văn đàn nước nhà.
Thu chén trà nồng
Trà nồng cũng đến hồi thu chén. “Nhất phiến tài tình” Nguyễn Tuân chẳng đã từng có lời tại tuyệt bút nêu trên đó sao, “trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý.”
Trà ngấm vào thơ, thơ đượm trong trà… Nào, ta cùng cạn chén!

ĐỖ QUYÊN
Vancouver – Xuân Mậu Tuất 2018

error: Content is protected !!