Tìm hiểu về đất tử sa nhóm lục nê (Phần 1): Tổng quan về lục nê
Đất tử sa nhóm lục nê là gì? Đất tử sa bổn sơn lục nê là gì? Đất tử sa lê bì nê là gì? Đặc điểm, tính chất, phân loại ấm tử sa lục nê.
Tổng hợp loạt bài về NHÓM ĐẤT TỬ SA LỤC NÊ:
- Phần 1: TỔNG QUAN VỀ LỤC NÊ
- Phần 2: LỤC NÊ LÊ BÌ
- Phần 3: LỤC NÊ GIẾNG SỐ 4 HOÀNG LONG SƠN (1)
- Phần 4: LỤC NÊ GIẾNG SỐ 4 HOÀNG LONG SƠN (2)
- Phần 5: HỒNG MA TỬ LỤC NÊ GIẾNG SỐ 4 HOÀNG LONG SƠN
- Phần 6: CHI MA LỤC NÊ GIẾNG SỐ 4 HOÀNG LONG SƠN
- (Còn tiếp)
Phần 1: TỔNG QUAN VỀ LỤC NÊ
Khoáng tử sa Lục nê là một loại nê nham có tính chất bột mịn (phấn sa), là một nhóm các loại khoáng tử sa được đặt tên theo màu sắc bên ngoài của khoáng thô. Khoáng tử sa lục nê còn gọi là “Bổn sơn lục nê”. Cái gọi là “Bổn sơn” thực chất là dùng để chỉ Hoàng Long Sơn, và tất cả các nguyên liệu khoáng khai thác ở Hoàng Long Sơn đều có thể được gọi là nguyên liệu khoáng “Bổn sơn”.
Khoáng tử sa lục nê thô có cấu trúc dạng khối đặc, dễ nứt vỡ nhưng không tan trong nước, hàm lượng các loại khoáng nhỏ. Nó thường được khai thác ở bên dưới khoáng tầng thạch anh (thường được gọi là long cốt, hoàng thạch nham tầng…). Ngoài ra còn có một lớp mỏng nằm kẹp giữa lớp tử nê hoặc nằm giữa lớp tử nê và lớp khoáng tử sa khác, được tìm thấy dưới dạng nê trong nê, loại khoáng tử sa lục nê này có sản lượng khá thấp, chẳng hạn lê bì nê… Hai loại lục nê này được khai thác ở các lớp khoáng tầng khác nhau có sự khác biệt lớn về chất lượng của khoáng.
1. Lục nê được khai thác từ lớp dưới của khoáng tầng thạch anh có tỷ lệ hạt tương đối lớn và yêu cầu nhiệt độ nung cao hơn. Nói chung, nó cần được nung trong khoảng 1200 đến 1230℃, và một số thậm chí đạt khoảng 1250℃. Sau khi thiêu kết, lục nê có kết cấu cứng và chắc, tỷ lệ co ngót và biến dạng nhỏ, độ liên kết giữa các hạt tương đối thấp , khả năng giữ nhiệt và độ thoáng khí rất tốt. Nếu nhiệt độ nung không đủ, các sản phẩm sẽ tạo ra hiện tượng “đốm đen”, “nứt ngầm” hoặc thậm chí nứt toác khi sử dụng.
2. Lục nê được khai thác ở lớp kẹp giữa tử nê và đoạn nê hoặc tử nê và lớp khoáng khác thường mềm, với tỷ lệ hạt đất sét tương đối nhỏ và độ dẻo tốt. Độ khúc xạ của nó tương đối thấp, phôi ấm sau khi nung kết cấu tương đối chắc chắn, bề mặt nhìn chung sẽ có hiệu ứng lê bì nê tinh xảo và mềm mại, nhưng có độ co và độ biến dạng tương đối lớn khi nung.
Khoáng tử sa lục nê có hàm lượng thạch anh cao, do quá trình hoạt động địa chất lâu dài nên được nén chặt thành đá phiến sét cứng và nửa cứng, do đó, bề mặt của khoáng vật có độ bóng mỡ và màu sắc đặc trưng nên được phân thành một nhóm khoáng tử sa riêng biệt. Do hàm lượng sắt thấp, chủ yếu là các ion sắt và chứa nhiều Alumin nên vật liệu khoáng lục nê nguyên bản thường có màu lục nhạt, khoáng lục nê sau khi khai thác tiếp xúc lâu với không khí, bề mặt dễ bị oxy hóa làm biến màu.
Bề ngoài và kết cấu của khoáng tử sa lục nê nói chung là tinh khiết, đồng nhất và chứa một lượng nhỏ các mảnh mica trắng. Sau khi nung trong môi trường bình thường, ngoại trừ một số thay đổi nhỏ của kết cấu hạt, về cơ bản, lục nê có màu vàng sáng. Do sản lượng của khoáng tử sa lục nê là nhỏ, và các tác phẩm dung tích lớn của lục nê không dễ nung nên đất tử sa lục nê hầu hết được sử dụng làm vật liệu trang trí bề mặt của các tác phẩm tử sa hoặc được sử dụng để tạo phối nê bằng cách kết hợp với oxit kim loại tạo màu để tạo tử nê hoặc hồng nê nhân tạo… Chỉ một phần nhỏ của các tác phẩm được làm bằng đất tử sa lục nê nguyên bản.
Khoáng tử sa lục nê có nhiều loại và tên gọi khác nhau theo sự khác nhau của khu vực khai thác và tầng quặng, đất tử sa lục nê có nhiều đặc điểm màu sắc và kết cấu và hiệu ứng bề mặt khác nhau do quy trình nung khác nhau.
————–
Phần bàn luận thêm và quan điểm riêng của người dịch:
– Vì màu sắc sau khi nung và phân bố khoáng tầng của khoáng tử sa lục nê khá là giống với đoạn nê nên trong nhiều tài liệu lục nê sẽ được xếp vào nhóm đoạn nê (do sau khi nung sản phẩm có sắc vàng) và hoặc ngược lại đoạn nê lại được xếp trong nhóm lục nê (do khoáng thô có sắc xanh). Do đó sẽ có nhiều quan điểm cho rằng “Không có lục nê đâu chỉ có đoạn nê thôi” hoặc ngược lại “Đoạn nê là thứ mới xuất hiện gần đây, trước đây nghệ nhân không thèm sử dụng”, kì thực cả hai thứ đều tồn tại, tuy 1 mà 2, tuy 2 mà 1, chỉ có cách gọi là khác nhau dẫn đến cách hiểu khác nhau. Hiện tại đang có 5 cách gọi cũng tồn tại: “Nhóm lục nê là nhóm đoạn nê”; “Đoạn nê là đoạn nê”, “Lục nê là lục nê”, “Đoạn nê là lục nê + đoạn nê”, “Lục nê là là lục nê + đoạn nê”, tất cả những cách gọi này đều đúng, quan trọng là bạn nói chuyện với ai và trong ngữ cảnh nào.
– Về cách gọi “bổn sơn lục nê” hiện tại theo phân loại của sách “Khoáng sản tử sa Nghi Hưng” có ít nhất là 7 loại “thuần lục nê” có đặc điểm khoáng liệu khác nhau khai thác ở giếng số 4, chưa kể là những loại khác như Lục nê lê bì, Chi ma lục nê, Hồng ma tử lục nê cũng khai thác ở giếng số 4, ngoài ra còn có những loại lục nê khác nữa khai thác ở những mỏ khác cũng ở Hoàng Long Sơn. Vậy thế nào là “Bổn sơn lục nê” e rằng mỗi hồ hữu nên tự có câu trả lời cho riêng mình.
– Về khoáng tầng của lục nê và đoạn nê, quý trà hữu có thể xem thêm sơ đồ dưới đây để hiểu rõ hơn.
– Về Lê bì nê, nó là phần kẹp giữa giữa tử nê và các loại khoáng khác nên sẽ có Lục nê lê bì, Chu nê lê bì, Tử nê lê bì… Phần này các hồ hữu có thể đọc thêm bài viết về LÊ BÌ NÊ để hiểu rõ hơn.
————–
SG, 08/11/2021
Lão Tà – An Nhiên Tịnh Quán
(dịch và rảnh rỗi bàn luận thêm từ sách “Khoáng sản tử sa Nghi Hưng”)