Tìm hiểu 3 hiệu ấm trà: Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần
Có câu truyền miệng:
“Thứ nhất Thế Đức gan gà
Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”
Đầu tiên cần xác định, đây không phải là thành ngữ điển tích của người Trung Hoa, mà là câu thiệu bằng thơ lục bát cho dễ nhớ của các cụ ta (V.N) ngày xưa, vì vậy “vai vế” thứ nhất, thứ nhì, thứ ba trong câu chỉ là tượng trưng, xếp theo vần điệu cho dễ nhớ chứ không phải thứ hạng.
Lịch sử và xuất xứ của 3 loại ấm Thế Đức, Lưu Bội và Mạnh Thần
A. Ấm Thế Đức
Ấm Thế Đức còn gọi là ấm Tích Bao, là loại ấm trà xuất hiện vào những năm Gia Khánh và Đạo Quang đời Thanh (1796-1850), do những danh gia chế tạo ấm, sau đó được các văn nhân vẽ tranh, viết thư pháp, đề thơ. Ấm làm bằng đất Tử sa, thân bọc thiếc. Núm nắp, quai, vòi được tô điểm bằng cách khảm ngọc, chạm trỗ tinh vi, rất được giới văn nhân tao nhã yêu thích.
Chu Kiên (1772-1830) tự Thạch Mai, hiệu Thạch My, quê ở Thiệu Hưng, Chiết Giang, có sở trường giám định và am hiểu kỹ thuật vẽ tranh trên gốm sứ. Thời đó đang thịnh hành dùng hai loại ấm Tử Sa và Tích Bao để uống trà, Chu Kiên chính là người hợp nhất hai loại ấm này, ông mua những ấm trà của Dương Bành Niên về khảm ngọc lên quai, vòi, nắp và thân ấm, làm thành ấm “Tử Sa Tích Bao”. Ngoài Chu Kiên, thời đó có nhiều nghệ nhân Tử Sa khác cũng chế tác ấm Tích Bao cung cấp cho thị trường đang rất “nóng”, đặc biệt là Dương Bành Niên, hiện nay nhiều nhà sưu tập còn cất giữ những chiếc ấm Tích Bao rất quý của ông.
Ảnh trên là chiếc ấm Tích Bao cao 10,5cm, dạng hình học, nắp bằng, vòi thẳng, cốt làm bằng đất tử sa, bên ngoài bọc thiếc, vòi, quai, núm nắp ấm đều có khảm ngọc. Trên lớp thiếc bọc ngoài thân ấm một bên vẽ tranh sơn thủy, nhà cửa, cây cối, ghềnh đá, núi non chập trùng. Một bên có khắc chữ và dấu ấn, trải qua hàng trăm năm lớp thiếc bọc ấm bị ăn mòn, chỉ còn đọc được bốn chữ không liền mạch và không đủ câu: “Thạch Mai…Tuyền Hỏa…”, dưới đáy ấm có dấu lạc khoản hình vuông, khắc chữ “Thế Đức Đường”. Có thể khẳng định đây là chiếc ấm Tích Bao của Chu Kiên, làm cho Thế Đức Đường vào những năm Đạo Quang nhà Thanh.
Cái tên Thế Đức Đường bao hàm ý nghĩa đời đời công nhận đức hạnh của tổ tiên và gia tộc họ Tào ở thị trấn cổ Tô Châu, tòa nhà lớn này xây dựng vào đời Đạo Quang, hai mặt trước sau có 5 cổng lớn, tổng cộng 69 phòng ốc. Năm Quang Tự 32 đời Thanh (1906), tòa nhà được cải tạo, xây dựng lại, những bức tường bao quanh tòa nhà trở thành 6 cửa hiệu mặt tiền, phía trước là cửa hàng buôn bán sầm uất, phía sau là phố phường nhộn nhịp, bán đủ loại mặt hàng, nổi tiếng gần xa với sản phẩm rượu Bản Thiệu (Thiệu Hưng) và nước tương Bạch Nguyên. Về sau con cháu họ Tào tiếp tục phát triển ngành nghề kinh doanh, trong đó có cả mặt hàng gốm sứ, ấm Tử Sa, ấm Tích Bao… tuy không tự mình làm ra sản phẩm, nhưng họ đặt lò sản xuất rồi bao tiêu, vì vậy mà sản phẩm đề hiệu “Thế Đức” hay “Thế Đức Đường”.
Vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 loại ấm Tích Bao này được làm giả và xuất khẩu rất nhiều sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tới đây, chúng ta có một phát hiện thú vị: Tên gọi của loại ấm này là “Tích Bao hồ”, dịch sang tiếng Việt là “bình Tích Bao” (1), điều này giải thích vì sao người Việt, đặc biệt ở Nam bộ, gọi chung các loại ấm trà bằng cái tên rất phổ biến: “bình tích”, “ấm tích”.
B. Ấm Lưu Bội
Thiệu Cảnh Nam (1796-1874) là một danh gia chế tác ấm Tử Sa dưới triều Đạo Quang, hiệu Lưu Bội chủ nhân, cùng thời với các nghệ nhân Tử Sa tên tuổi: Thiệu Đại Hanh, Huỳnh Ngọc Lân, Phùng Thể Hà, Thiệu Nhị Tuyền, Du Quốc Lượng…ông nổi tiếng làm ra chiếc ấm nhỏ gọi là Zhuni (Chu nê)
Chiếc ấm Zhuni trong ảnh trên thân cao 6,8cm, chiều ngang đo từ quai đến miệng bình 12,2cm, đáy bằng phẳng, thân tròn. Nắp ấm hơi lồi, núm tròn, tương ứng với nắp và thân ấm. Vòi ấm hơi cong và hướng nhẹ lên trên, quai ấm có hình dáng như vành tai, nhằm tạo hiệu quả hài hòa về mặt thị giác cho người dùng, điều này chứng tỏ người làm ra chiếc ấm có ý tưởng sáng tạo rất tinh tế. Trên thân ấm, tác giả dùng dao tre khắc hai câu thơ “Hồ trung nhật nguyệt trường/ Sơn dung vô y dạng”, ý nói “Việc thưởng trà có thể quên cả thời gian”, bên cạnh ký Lưu Bội, dưới đáy ấm có khắc dấu “Thiệu Cảnh Nam ấn” bằng thể chữ Lệ thư.
Từ tay nghề đến tạo hình chiếc ấm, hay cách tô điểm trên thân ấm, cho thấy đây là một chế phẩm thượng hạng. Ngoài ấm Zhuni, Thiệu Cảnh Nam còn làm một loại ấm tương tự, nhưng trên nắp ấm có thêm một đường viền tinh xảo, thân ấm cũng dùng dao tre khắc hai câu thơ “Kim ba sơ phiếm thể/ Ngọc vũ sạ sinh huy” (Mặt trăng vừa ló dạng, bầu trời liền ngời sáng), ký Lưu Bội, đáy ấm khắc dấu triện “Thiệu Cảnh Nam”. Cách thức tạo ấm và kiểu thư pháp của hai loại ấm này chính là phong cách đặc trưng của tác giả, có thể dùng làm căn cứ khi giám định ấm Lưu Bội thật và giả.
C. Ấm Mạnh Thần
Trong 3 hiệu Thế Đức, Lưu Bội và Mạnh Thần, ấm Mạnh Thần có niên đại lâu đời nhất, tác giả là Huệ Mạnh Thần ở Kinh Khê, Nghi Hưng, Giang Tô, không rõ năm sinh năm mất. Đại khái thời của ông là vào buổi cuối Minh đầu Thanh, khoảng từ đời Thiên Khải (1621-1627) vị vua áp chót của nhà Minh tới đời Khang Hy (1662-1722) nhà Thanh. Hiện nay tại Thính Tuyền Sơn Quán ở Trung Quốc còn giữ một ấm trà làm bằng đất sét trắng, lạc khoản (tên hiệu, niên hiệu đề dưới trôn đồ gốm sứ) ghi 11 chữ “Thiên Khải Đinh Mão niên Kinh Khê Huệ Mạnh Thần chế”, từ đó phần nào làm sáng tỏ đối với họ tên, nguyên quán và thời đại sinh sống của ông.
Nghi Hưng thời xưa gọi là Kinh Ấp, đến năm Ung Chính thứ 3 đời Thanh, tách làm hai huyện Nghi Hưng và Kinh Khê, năm 1912 thời Dân quốc đã nhập hai huyện làm một huyện Nghi Hưng, Kinh Khê trở thành thị trấn. Năm 1983 Nghi Hưng thuộc thành phố Vô Tích, năm 1988 xóa bỏ huyện Nghi Hưng, thành lập thành phố Nghi Hưng (thành phố cấp huyện) đến nay.
Tay nghề làm ấm Tử Sa của Huệ Mạnh Thần rất xuất chúng, mang đậm phong cách riêng, tác phẩm của ông ấm nhỏ nhiều, ấm cỡ trung bình ít, ấm lớn hiếm nhất. Ấm lớn thì kiểu dáng đơn giãn mộc mạc, loại ấm nhỏ lại cực kỳ tinh xảo, tạo hình của ấm có dáng tròn, dáng dẹt, có thân cao, bụng tròn, hình trái lê hay trái quýt…
Mỗi chiếc ấm Tử Sa do Huệ Mạnh Thần làm ra đều là một tác phẩm nghệ thuật, hình dáng thanh bai cân đối, đường nét uyển chuyển, thân ấm sáng bóng, cốt mỏng tinh xảo, nhất là phần vòi, dù dài hay ngắn đều rất chắc chắn, rót trà nước chảy thông, không nghẽn không đọng giọt. Những chiếc ấm nhỏ xinh xắn của ông rất thích hợp trào lưu uống trà kungfu lúc bấy giờ, còn loại ấm hình trái lê thì được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, có ảnh hưởng rất lớn đối với công nghệ làm ấm sứ thời kỳ đầu của châu Âu vào thế kỷ 17.
Ngoài việc coi trọng sự tiện lợi cho người sử dụng và đề cao nét chất phác giản dị của thân ấm, ông còn đặc biệt quan tâm việc khắc chữ, viết thư pháp trên ấm. Những chiếc ấm do chính tay Huệ Mạnh Thần làm ra thường đề: “Kinh Khê Huệ Mạnh Thần chế”, “Văn Hạnh quán Mạnh Thần chế”, “Huệ Mạnh Thần chế” hoặc “Mạnh Thần chế”. Có một số ấm trên thân có đề năm chế tác hoặc những câu thư pháp nhiều hơn 10 chữ, nội dung mang ý nghĩa tốt lành. Thời kỳ đầu ấm của ông khắc chữ bằng dao tre, về sau mới kết hợp in bằng con dấu làm sẵn. Theo các nhà sưu tầm ấm Tử Sa có kinh nghiệm, sản phẩm tuyệt hảo nhất của Huệ Mạnh Thần là những chiếc ấm có đóng dấu “Vĩnh Lâm” phía trong nắp.
______
(1) “Tích Bao hồ” dịch sát nghĩa là “bình bọc thiếc”, Tích Bao là tiếng Hán Việt, cũng như người Việt gọi ấm Tử Sa chứ không gọi “ấm Cát tím”.
SONG MỘC
(Đăng lại từ báo Đất Mũi Cuối tuần)