SỰ ĐA DẠNG TRONG SỬ DỤNG ĐƯỜNG NÉT TRANG TRÍ ẤM TỬ SA
Dáng ấm tử sa cổ điển luôn là sự kết nối uyển chuyển của hình vuông và hình tròn, cộng với đó là sự kết hợp tối ưu của các đường nét trang trí, từ đó tạo nên kết cấu nhất quán của tác phẩm, sự liên kết hợp lí về mặt kết cấu và sự hài hòa trong tinh thần từ đó tạo nên hình dáng tổng thể tối ưu của tác phẩm
Dùng các chi tiết đường nét để trang trí là một trong những hình thức trang trí lâu đời nhất trên thế giới, trong nghệ thuật trang trí truyền thống, việc dùng đường nét trang trí được sử dụng rất đa dạng, chẳng hạn như trong các kiến trúc cổ như hành lang, cầu vòm, đồ nội thất nhà Minh, thuyền mui trần, thư pháp… Việc trang trí ấm tử sa dựa trên những đường nét hình cơ bản này làm cho các tác phẩm trở nên vô cùng đa dạng và phong phú về kiểu dáng và hình dạng.
Bằng các đường nét trang trí giúp kết nối các chi tiết đồng thời giúp tăng cường nhịp điệu và sự uyển chuyển của hình dạng, làm cho kết cấu của tác phẩm trở nên hoàn hảo; Vừa tạo ra những tác phẩm có hình dạng chỉnh chu sắc nét đồng thời giúp cho các chi tiết gắn kết với nhau một cách liền lạc, uyển chuyển, làm cho các góc vuông mềm mại và liền lạc một cách tự nhiên.
VÂN KIÊN TUYẾN
Vân kiên tuyến (đường vai mây) được sử dụng để trang trí cổ ấm trà hoặc mép dưới của ấm trà hoặc các bộ phận chuyển tiếp khác, đường nét của nó thường mỏng như một đám mây trắng, sắc nét và mềm mại nâng cao hiệu năng trang trí của sản phẩm, tăng cường cảm giác nhịp điệu, uyển chuyển và mềm mại của ấm tử sa.
MẪU TỬ TUYẾN
Là một đường đôi nhỏ được sử dụng cho sự kết hợp giữa các nắp và thân ấm, còn được gọi là “văn võ tuyến” thường được xử lý thành trên và dưới mịn, trên lớn dưới nhỏ, được gọi là “áp thiên” hay “thiên địa”, có thể làm tăng cảm giác chắc chắn, cứng cáp của ấm tử sa.
PHÚC TUYẾN
Các đường trang trí được thêm vào bụng của tác phẩm được gọi là “phúc tuyến” (đường bụng), “phúc tuyến” có thể là đường vuông, đường tròn, đường lồi lõm hoặc đường mẹ con… “Phúc tuyến” có thể dày hoặc mỏng, rộng hoặc hẹp; có thể sử dụng một đường, cũng có thể sử dụng hai đường, tùy thuộc kích thước, hình dạng của tác phẩm cần trang trí. Độ dày, kích thước của đường phúc tuyến có thể được lựa chọn vì nhiều lí do, có thể dùng để che giấu các vết nối nhưng cũng có thể tăng cường độ chắc chắn cứng cáp của ấm trà, cũng như là hiệu ứng nghệ thuật trang trí đơn thuần.
TRỪU GIÁC TUYẾN
“Trừu giác tuyến” (đường góc gấp, đường vát) được sử dụng cho quá trình chuyển đổi giao nhau giữa mặt và mặt của ấm tử sa phương khí (góc cạnh) được xử lý bằng đường góc rút hoặc đường vát, ẩn phong góc, đường tròn che góc vuông, làm cho hình dạng chắc chắn, cứng cáp hơn, tạo ra hiệu ứng quang âm thay đổi.
CÂN NANG TUYẾN
Cân nang tuyến (đường gân nang) có vân thủy văn, như ý văn, lăng văn, hoa văn cánh hoa các loại, tạo thành ấm trà có thân gân nang trang trí, vòng cung lồi lõm tràn đầy khí thân, lưu thông thông suốt.
KHẨU TUYẾN
Khẩu tuyến (đường miệng): miệng ấm tử sa thường được đắp thêm một đường gờ tròn hoặc vuông, biệt ngữ được gọi là “khẩu tuyến” hay còn được gọi là “gia cường khuyên” (vòng tròn để tăng độ cứng). Việc sử dụng đường đắp khẩu, chủ yếu tăng cường độ cứng, làm cho miệng ấm khó bị biến dạng, đồng thời cũng đóng một vai trò trang trí nhất định trong việc trang trí.
CÁI BẢN TUYẾN
Phần dưới cùng của nắp, nơi nắp tiếp xúc với miệng ấm được gọi là “cái bản tuyến” (đường bao ngoài). Hình dạng đường tròn, được gọi là “viên cái bản tuyến”; Hình dạng đường vuông, được gọi là “phương cái bản tuyến”. Loại đường này được chế tác bằng công cụ chuyên biệt gọi là “tuyến giang” (que tạo đường). “Cái bản tuyến” đóng vai trò vừa là một đường trang trí vừa là một đường kết cấu của ấm tử sa.
Trên: Phương cái bản tuyến; Dưới: Viên cái bản tuyến
ĐÔI ĐIỆP TUYẾN
Thường có hai loại: các đường dính liền với nhau và một là một sự kết hợp của nhiều đường dán chồng lên nhau. Thường được gọi là “đôi điệp tuyến”.
NGẪU GIÁC TUYẾN
Ngẫu giác tuyến (đường góc chẵn) được trang trí trong ở các ấm phương khí hình vuông hoặc hình chữ nhật. Ở góc xung quanh, giao điểm của đường ngang, lõm vào trong, là một đường lõm 90 °, được gọi là “đường góc chẵn”.
NẶC GIÁC TUYẾN
“Nặc giác tuyến” hay còn được gọi là “niết giác tuyến” (đường khuyết góc) là một trong những cách trang trí ấm tử sa. Trên các góc xung quanh mặt phẳng, giao điểm của đường ngang lõm vào trong, được kết nối bởi đường chuyển tiếp vòng cung nhỏ, biệt ngữ gọi đường góc này là “nặc giác tuyến”. Thường được sử dụng trong hình vuông, mặt phẳng hình chữ nhật như một đường trang trí.
TRÚC BẢN HỖN TUYẾN
Còn được gọi là “trúc bản tuyến” (đường thân trúc), đây cũng là một trong những cách trang trí ấm tử sa. Trên lưng của đường trang trí có phần cong nhô lên, giống như hình nửa thân tròn của cây trúc. “Trúc bản tuyến” thường được dùng để trang trí trên bụng của ấm trà tử sa. “Lỗ Ban kinh tượng gia kính” gọi là “cải trúc viên”, là một loại đường hình tròn lồi, tương tự như “trúc bản tuyến”.
THIỆN ĐỖ TUYẾN
Đề cập đến một vòng cung cao xuất phát từ mặt phẳng. Độ cong của nó lớn hơn đường bán nguyệt và nhỏ hơn “trúc bản tuyên”, bởi vì nó gần giống như bụng con lươn, vì vậy nó được gọi là “thiện đỗ tuyến” (đường bụng lươn)
BÁT KHẨU TUYẾN
Các đường trang trí được đắp dọc theo miệng ấm, được gọi là “bát khẩu tuyến” (đường miệng bát), có “bát khẩu tuyến” tròn, góc gấp, xéo và nhiều loại khác.
SÁT AO
Sát ao (vòng cung lõm) được sử dụng để trang trí ở trong cổ ấm trà hoặc đáy đáy. Cách thực hiện cụ thể là: sau khi dán bùn, sử dụng “trích chỉ” để loại bỏ, làm cho nó thành một vòng cung lõm, biệt ngữ được gọi là “sát ao”.
HOẠT TUYẾN
Ở miệng hoặc đáy của ấm trà, thêm một đường cong, làm cho các đối tượng thêm cảm giác sinh động và uyển chuyển nên được gọi là “hoạt tuyến”
CHI MA NGẠNH TUYẾN
Là một loại đường trang trí được hình thành bởi sự kết hợp của hai đường lõm trên một mặt phẳng hoặc bề mặt cung. Hai đường lõm thường có hình vòng cung, giống như cuống của hạt mè nên được gọi là “chi ma ngạnh tuyến”.
KIẾM LĂNG TUYẾN
“Kiếm lăng tuyến” (đường sống kiếm) còn được gọi là “kiếm tích lăng tuyến” là một trong những phương pháp trang trí của ấm tử sa, nó đề cập đến một dạng đường thẳng có hai bên xiên và dốc ở giữa. Sở dĩ được đặt tên như vậy là vì nó giống với đường gờ trên của thanh kiếm. Trong “Lỗ Ban kinh tượng gia kính” gọi là “kiếm tích tuyến”.
Dáng ấm tử sa cổ điển luôn là sự kết nối uyển chuyển của hình vuông và hình tròn, cộng với đó là sự kết hợp tối ưu của các đường nét trang trí, từ đó tạo nên kết cấu nhất quán của tác phẩm, sự liên kết hợp lí về mặt kết cấu và sự hài hòa về mặt tinh thần đã tạo nên hình dáng tổng thể tối ưu của tác phẩm. Các đường nét của ấm tử sa được các nghệ nhân tử sa tổng hợp, sửa đổi liên tục trong quá trình chế tác của họ qua nhiều thế hệ. Nó không chỉ làm phong phú thêm việc trang trí hình dáng của ấm tử sa mà còn giúp ngày càng tối ưu công năng sử dụng với từng dáng ấm.
Vẻ đẹp nhịp điệu “đường nét” của ấm trà tử sa được biểu đạt xuyên suốt toàn bộ thiết kế và quan niệm nghệ thuật của chiếc ấm, có sức lan tỏa và cảnh giới vượt ra ngoài tác phẩm, chứa đựng vẻ đẹp của tự nhiên, vẻ đẹp của sự thay đổi và vẻ đẹp của sự hài hòa.
SG, 23/02/2022
Lão Tà – An Nhiên Tịnh Quán
(Tổng hợp và dịch)