Nghệ Thuật Tử Sa (I) – Từ Quặng Nguyên Bản, Đất Sét Đến Nghệ Thuật Thủ Công

Nghệ Thuật Tử Sa (I) – Từ Quặng Nguyên Bản, Đất Sét Đến Nghệ Thuật Thủ Công

Những đặc điểm vật lý của đất sét tử sa nguyên bản Nghi Hưng như độ dẻo mịn cao (dẻo nhưng không làm dính vào bề mặt tiếp xúc) và độ co ngót thấp nên chúng trở thành vật liệu lý tưởng cho thợ gốm thủ công nói chung và thợ ấm tử sa nói riêng, tạo điều kiện cho các thợ gốm Nghi Hưng tự do sáng tạo mọi hình thể nghệ thuật đẹp mắt. Chính lý do này đã đưa ấm tử sa Nghi Hưng có một vị thế nổi bật trong lịch sử văn hóa nghệ thuật cổ truyền Trung hoa.

Loạt bài về Nghệ Thuật Tử sa gồm hai phần:

Phần I – Từ Quặng Nguyên Bản, Đất Sét Đến Nghệ Thuật Thủ Công

Phần II – Khám Phá Khảo Cổ Học

Phần I:Từ Quặng Nguyên Bản, Đất Sét

Đến Nghệ Thuật Thủ Công

Do khả năng tương thích với trà tốt nên tử sa đã trở thành loại nguyên liệu được ưu tiên nhất trong nghệ thuật thưởng trà ở Trung quốc khi khuynh hướng sử dụng trà nguyên lá được phổ biến và trào lưu trà nghệ thuật phổ biến trong tầng lớp nhân sĩ.

Vào những năm 1600, Chu Cao Khởi (1596-1645) đã mô tả trong tác phẩm “Dương Tiện minh hồ hệ” của mình rằng: “Trong thế kỷ qua, các ấm trà bằng kim loại như bạc hoặc thiết, cũng như các ấm trà bằng gốm được sản xuất ở Phúc Kiến và Hà Nam đang dần được thay thế. Người ta đã dần ưu chuộng những chiếc ấm là từ đất tử sa ở Dương Tiện (Nghi Hưng ngày nay) bởi vì những phát hiện về đất sét Dương Tiện được khai thác ở vùng núi Hoàng Long Sơn có những ưu điểm nổi bậc hơn những ấm trà truyền thống.”

Đỗ Phủ (712 – 770) có viết: “Tử sa pha trà ngon, lấp lánh như châu ngọc.”

Trong lịch sử nghệ thuật gốm sứ Trung Quốc, Phúc Kiến và Giang Tây là những địa phương nổi tiếng với dòng Kiến trản Thố Hào (ngày nay được gọi với tên Thiên mục theo tiếng Nhật) và các lò nung sứ hoàng gia ở Cảnh Đức Trấn. Ban đầu, lò nung ở Nghi Hưng chỉ là một lò gốm bình dân, nhưng với phát hiện về dòng khoáng đất sét đặc trưng, dòng gốm tử sa Nghi Hưng nhanh chóng đã trở thành lò gốm nổi tiếng nhất, vươn lên vị thế dẫn đầu vốn thuộc về Cảnh Đức trong nhiều thế kỷ. Rõ ràng lịch sử đã chứng minh rằng, những chiếc ấm tử sa Nghi Hưng thực sự có một sứ mạng rõ rệt trong nghệ thuật thưởng trà cũng như nghệ thuật gốm của truyền của Trung Quốc.

Chỉ vài thập kỷ trước khi ấm tử sa nổi tiếng, những người sành trà dường như không nghĩ quá nhiều về ấm tử sa Nghi Hưng. Đơn cử như Tiễn Xuân Niên trong ‘Hướng dẫn mới về cách pha trà’ xuất bản khoảng năm 1530 có viết: “Những ấm pha trà tốt nhất là những ấm nhỏ có tay cầm dài, được làm từ bạc hoặc thiết. Ấm được làm từ gốm-đá (tức tử sa) được xếp hạng hai.” Vào năm 1590, Đồ Long trong ‘Bàn về trà’ lại cho rằng ‘ấm tốt nhất là ấm được làm từ vàng hoặc bạc. Đối với tầng lớp bình dân, sử dụng ấm bằng gốm-đá cũng có thể chấp nhận được… Loại ấm gốm-đá này không được tráng men nên trà khi pha sẽ dễ bị thẩm ra ngoài và nước trà sẽ có mùi như như bùn bẩn. Trà nếu được pha trong cái ấm gốm, mùi bùn của nó sẽ đọng lại trong miệng rất lâu. Điều này là quá rõ ràng nên hẳn là không cần phải nhắc nhở tầng lớp bình dân về nhược điểm của dòng gốm-đá này.’ Trong ‘Trà truyền thống’ do Trương Khiêm viết vào năm 1596 có đề ra cấp bậc của các dòng ấm như sau: “Quan, Ca, Tuyên, Định là các dòng gốm nung tốt nhất; vàng bạc xếp thứ hai. Người thưởng trà sẽ không xem trọng những chiếc ấm được làm từ đồng hoặc thiết.” Rõ ràng rằng, những người thưởng trà trước kia đa phần đã nhận ra được vị thế của các dòng ấm từ gốm sứ.

Nhưng chỉ vài thập niên sau khi Chu Cao Khởi viết cuốn sách “Dương Tiện minh hồ hệ”, Chu Đông (1619 – 1679) đã viết một bài luận về ‘Gốm Dương Tiện’, trong đó ông nói: “Ngày nay, những người thưởng trà ở Tô Châu chỉ dùng ấm tử sa Nghi Hưng.” Năm 1687, Từ Giai Phụng trên tờ ‘Nghi Hưng – Vùng đất của gốm’ có viết: “Cung Xuân đã làm ra những chiếc ấm với đủ hình dạng và sắc thái. Tuy chỉ là những chiếc ấm trà bằng gốm nhưng chúng lại được trân trọng trên khắp vùng đất nước. Trà được pha trong những chiếc ấm của Cung Xuân không hề mất đi tinh túy mà ngược lại, chúng còn được tăng về phong thái và phẩm vị. Cho nên, tất cả các quan lại cao cấp đương triều, những nhân sĩ, mọi tầng lớp quý tộc và những người yêu nghệ thuật đều muốn sở hữu một chiếc ấm tử sa Dương Tiện cho riêng mình. Thêm vào đó, các ấm nghệ thuật của Thời Đại Bân (1573 – 1648) cũng rất có giá trị.” Bên cạnh những bình phẩm đến từ sự trải nghiệm, trên tờ ‘Gốm Sứ’, nhà bình phẩm trà chuyên nghiệp Phùng Khả Tân, trong một bài báo được xuất bản năm 1642 với tựa đề ‘Trà Kiệt’ có lưu lại bình phẩm “Đối với ấm trà, gốm sứ là tốt nhất, kim loại xếp hạng hai.”. Và câu nói này trở thành câu được trích dẫn nhiều nhất trong thời đại hoàng kim của gốm sứ.

Mặc dù có rất nhiều khu vực có thể khai thác những những loại quặng như vậy nhưng quặng ở Dương Tiện – Nghi Hưng ngày nay, là khu vực có chất lượng quặng tốt nhất, thích hợp nhất để làm ấm trà. Nhưng quặng Tử sa lại chỉ được khai thác chủ yếu ở tầng địa chất dưới mực nước biển vài trăm mét, gây ra nhiều mối nguy hiểm lớn cho những người thợ khai quặng. Nếu không vì nhu cầu cao về ấm Tử sa, việc khai thác sẽ không mang lại giá trị và văn hóa thưởng trà Trung Quốc sẽ phát triển theo những nhánh hoàn toàn khác.

Trong ‘Bài luận về sông Kinh’ do Vương Trĩ Đăng viết vào năm 1583 có mô tả địa tầng khai thác quặng tử sa là ‘những khoáng tầng nằm ở giữa núi, mỏ khai thác được đào thành một miệng giếng dốc nghiêng đi xuống’. Địa tầng này là những phiến mỏng, dày chỉ vài chục centimet đến một mét, và nằm rải rác khắp nơi, rất hiếm khi nằm thành mảng. Trong bài ‘Ấm trà Dương Tiện’ có đề cập đến ‘quặng tử sa có thể được tìm thấy ở nhiều vùng núi khác nhau, nhưng các mỏ ở mỗi vùng lại được đào ở nhiều khu vực. Thường thì số mỏ quặng được khai thác cạn cũng tương đương với số lượng mỏ mới được tìm thấy. Bất kỳ mỏ mới nào được phát hiện, chúng đều nằm sâu vài chục mét dưới lòng đất’. Trong bài thơ ‘Tán thưởng ấm trà Dương Tiện’ do Ngô Mai Đỉnh (1631-1700) sáng tác có đoạn: ‘họ phải đào thật sâu, có khi vài trăm mét, rồi tìm được mảng mỏng xương xẩu, tựa đá phơi trên đỉnh núi cao kia”. Nói cách khác, cho đến hiện nay, việc khai thác quặng khoáng tử sa nguyên bản vẫn là một công đoạn vô cùng gian nan và vất vả.

Ấm Nghi Hưng có thể được làm từ nhiều loại quặng khác nhau, như quặng đoạn sa ở độ cao từ bốn đến năm mét trên mực nước biển. Trong bài ‘Nghiên cứu về ấm tử sa Dương Tiện’ do Lý Cảnh Khang và Trương Hồng chủ bút vào năm 1937 có viết: “Trong thời Minh (1368 – 1644), đã vài chục năm từ khi quặng Tử sa được biết đến và khai thác. Sau khi một mỏ quặng ở núi này cạn kiệt, các thợ mỏ phải tìm kiếm loại quặng khoáng thích hợp ở những núi khác. Do xuất xứ và thành phần ở vùng khai thác là khác nhau cho nên tính chất của mỗi loại quặng cũng khác nhau.”

Trong số các loại quặng khác nhau được tìm thấy ở khu vực Nghi Hưng, thì quặng Tử sa là loại quặng thích hợp nhất để làm ấm trà, vì kết cầu và thành phần của nó rất cứng chắc, có thể dùng để làm ấm mà không cần phải gia thêm bất kỳ loại vật liệu nào khác. Ngoài sự kết hợp hoàn hảo giữa các nguyên tố vi lượng và kim loại, thêm vào quặng tử sa có cấu trúc tinh thể phù hợp được nén chặt dưới lòng đất hơn 350 triệu năm nên và tổng thể, đất sét tử sa có kết cấu rất ổn định với độ dẻo cao, độ co ngót (độ biến dạng sau khi nung) thấp khiến cho quặng khoáng nguyên bản Tử sa trở thành lựa chọn ưu tiên đối với các thợ làm gốm ở Nghi Hưng, cho phép thợ gốm tự do sáng tạo bất kỳ hình dạng ấm nào họ thích. Hàm lượng sắt trong quặng tử sa ở Nghi Hưng đạt trung bình từ 8-10%, có một số loại còn lên đến 11-12%, có hơn rất nhiều so với quặng khoáng đồng loại ở những nơi khác. Do vậy, màu sắc ấm Nghi Hưng là dải màu sau nung từ màu đỏ sắc đến màu gan sẫm, từ màu gạch nhạt đến màu quả lê đông lạnh.

Do các đặc tính đó mà đất sét nguyên bản Tử sa đã được mệnh danh là ‘vua của các loại đất sét và là vương trong các loại đá’. Sở dĩ quặng được gọi là tử sa vì các hạt trầm tích của nó có màu tím hoặc xanh lá cây, vàng, trắng, đen, đỏ trong quặng thô. Trong số ba loại khoáng tử sa chủ yếu (Tử nê, Hồng nê và Đoạn nê) thì Tử nê là loại phổ biến nhất và phù hợp nhất cho nên chủ yếu các loại ấm trà đều được làm từ loại quặng khoáng này. Tử nê là loại quặng được ẩn dưới lớp quặng đoạn nê và nằm giữa các lớp Giáp nê. Biệt danh ‘vua của các loại đất sét và là vương trong các loại đá’ cũng từ đặc điểm khai thác của quặng Tử nê mà ra.

Các lớp quặng có màu sắc khác nhau tùy theo sự khác biệt về nhiệt độ nung nấu và kết quặng trong hàng trăm triệu năm dưới lòng đất sâu. Một số người cũng gọi loại hồng nê này là ‘thạch hoàng’ vì nó thường được tìm thấy ở lớp dưới cùng của mỏ và cứng như đá. Trong ‘’Dương Tiện minh hồ đồ lục’ mô tả nó là một ‘mảng đá ráp thô, chưa từng trải qua nắng gió’. Loại quặng này thường chuyển sang màu đỏ sau khi nung nên được gọi là Chu nê – nghĩa là đỏ như son. Hàm lượng sắc của chu nên cao, rất khó khai thác nhưng trữ lượng rất ít trong tự nhiên.

Bắt đầu từ những năm 1950, những người thợ mỏ Nghi Hưng tìm thấy một loại quặng khoáng màu vàng lục gần các khu vực Xuyên Phụ và Phục Đông ở Nghi Hưng. Loại quặng này có kết cấu tựa với loại khoáng quặng Thạch Hoàng khó tìm và được gọi là Hồng Nê. Đặc trưng của Hồng Nê là không cần nung ở nhiệt độ cao và rất khó để làm những chiếc ấm có dung tích lớn vì Hồng nê có độ co ngót cao. Do đó, Hồng nê chủ yếu để làm những ấm có dung tích bé, hoặc dùng để trang trí, điểm hoa văn trên đồ gốm. Quặng Hồng nê được xuất qua Châu âu vào cuối thế kỷ 17, những chiếc ấm nhỏ ở khu vực Đông Nam Á hoặc Nam Phúc Kiến chủ yếu được làm từ quặng Hồng nê.

Lục Nê Hoàng Long Sơn hay còn gọi là Bổn Sơn Lục Nê là loại quặng khoáng có màu xanh lục và được chuyển sang màu vàng kem sau khi nung. Loại khoáng quặng này được khai thác ở đoạn giữa quặng màu tím. Vì chỉ được tìm thấy theo từng phân khúc nhỏ giữa các khóm quặng nên trữ lượng tự nhiên của Bổn Sơn Lục Nê tương đối thấp cho nên chủ yếu dùng để làm ấm dung tích nhỏ hoặc điểm trang trí trên các loại ấm tử sa khác.

Quặng tử sa khi được khai thác từ các lớp trầm tích dưới lòng đất được gọi là quặng thô, khô ráp và chúng phải trải qua một quy trình chế biến thủ công phức tạp để trở thành một khối đất sét hoàn hảo.

Trần hủ là công đoạn làm cho khối đất sét được ẩm đều hơn. Kết quả là làm cho các chất hữu cơ trong đất sét phân hủy, làm cho khối đất sét dẻo mịn và ít bị nứt khi nung ở nhiệt độ cao. Nói chung, đất sét được trần hủ trong môi trường thích hợp càng lâu thì chất lượng càng tốt. Kể từ thế kỷ 14, những người thợ gốm Nghi Hưng đã biết cách tích trữ đất sét trong những căn hầm khô thoáng mát, đa phần là những căn hầm dưới lòng đất. Sau thời gian cho phép, các khối đất sét phần được sử dụng, phần được lưu lại theo thời gian, dành cho những chiếc ấm đặc biệt kỷ niệm đối với họ.

Theo phân tích đồng vị cacbon, quặng tử sa có nơi đạt đến 350 triệu năm tuổi, tạo ra kết cấu vật lý ổn định với hàm lượng khoáng chất và tinh thể rất thích hợp để làm ấm trà. Do vậy, đối với những loại quặng tử sa nguyên bản, người ta có thể chỉ dùng đất sét của nó để tạo nên ấm trà, không cần phải thêm bất kỳ phụ gia nào khác. Các quặng được khai thác ở các tầng khác nhau sẽ chứa hàm lượng nguyên tố khác nhau và tất nhiên, nhiệt độ nung khác cũng khác nhau. Những thế kỷ trước, các thợ gốm có những công thức bí truyền, pha trộn các loại khoáng nguyên bản với nhau để tạo thêm sự đa dạng về màu sắc và kết cấu cho ấm Nghi Hưng, tuy nhiên, phương pháp phối trộn từ quặng nguyên bản này đến nay đã bị thất truyền. Trong sách ‘Trích lục về đồ gốm ở Dương Tiện’ đã nêu những màu sắc chính của ấm tử sa Nghi Hưng nhau sau:

“Loại đất sét màu vàng, sau khi nung sẽ chuyển thành đỏ son. Đất sét xanh sau nung sẽ thành màu gan sẫm. Còn đất sét màu vỏ lê sau khi nung lại chuyển thành màu lê đông lạnh. Đỏ nhạt sẽ chuyển thành màu vàng lục sau khi nung, vàng nhạt sẽ thành màu hạt đậu nành, màu đỏ nhạt sẽ sang màu gạch non.”

Chính phổ màu rộng của đất sét Nghi Hưng sau khi nung là đặc điểm khác biệt hoàn toàn của nó so với các loại đất sét trên thế giới.

Đối với thợ làm gốm, những đặc điểm vật lý của đất sét tử sa nguyên bản Nghi Hưng như độ dẻo mịn cao (dẻo nhưng không làm dính vào bề mặt tiếp xúc) và độ co ngót thấp nên chúng trở thành vật liệu lý tưởng cho thợ gốm thủ công nói chung và thợ ấm tử sa nói riêng, tạo điều kiện cho các thợ gốm Nghi Hưng tự do sáng tạo mọi hình thể nghệ thuật đẹp mắt. Chính lý do này đã đưa ấm Nghi Hưng có một vị thế nổi bật trong lịch sử văn hóa nghệ thuật cổ truyền Trung hoa.

error: Content is protected !!