Nghệ thuật “đấu trà” Nhật Bản
Đấu trà có nguồn gốc từ thời nhà Đường ở Trung Quốc, phát triển sang triều đại nhà Tống rồi du nhập vào Nhật Bản, song người Nhật thiết kế đấu trà với định dạng riêng, không giống Trung Quốc.
Nước Nhật biết đến đấu trà (闘 茶,Tōcha) vào thời kỳ Kamakura (Liêm Thương thời đại, 1185–1333). Ở Nhật, người ta còn gọi cuộc thi này là Hồi trà (Kai cha), Ẩm trà thắng phụ (Yamucha shōbu), Trà ký hiệp (Chayoriai), Trà thang thắng phụ (Chatō shōbu) và Cống trà (Kōcha).
Ban đầu, mục đích là để phân biệt trà chất lượng cao của vùng Tạp Đông thôn (Kyoto no togano) với các loại trà khác, tuy nhiên khi phát triển đến cực thịnh thì nghệ thuật đấu trà nhằm vào việc xác định đúng nơi sản xuất trà bằng cách pha trà, uống trà và đoán xuất xứ từ hương thơm và mùi vị.
Nam-Bắc triều (Nanbokucho) chính là thời kỳ hoàng kim của đấu trà, đến đầu thời đại Thất Đinh (Muromachi) thì cách thi phổ biến nhất là Tứ chủng thập phục trà (四種十服茶), nghĩa là sử dụng tổng cộng 4 loại trà (3 loại trà hạt và 1 loại trà khách). Đầu tiên là 3 loại trà hạt “Ichinocha”, “Ninocha” và “Sannocha”.
Mỗi người tham gia phải nếm và kiểm tra mùi vị, hương thơm. Tiếp theo, pha tổng cộng 10 túi trà, tổng cộng 3 loại trà (mỗi loại 3 túi) và 1 túi từ loại trà của khách. Những người tham gia phải trả lời liệu 10 túi trà có giống với lần nếm thử đầu tiên là “Ichinocha”, “Ninocha”, “Sannocha” hay không, hoặc liệu chúng có phải là các loại trà của khách hay không, người nào trả lời đúng nhiều nhất sẽ là người chiến thắng với giải thưởng gồm có lụa, vũ khí, vàng và đồ trang sức.
Có những cuộc đấu trà quy mô, đòi hỏi người chơi phải thi nhiều lần, chẳng hạn như cuộc thi Bách phục trà (Hyakkacha), còn gọi là Bách chủng trà (Hyakkacha) của Sasaki Takauji. Ngoài ra còn nhiều cách thi đấu tầm cỡ khác.
Do người thi đấu phải uống rất nhiều trà, thường là 10 hoặc 50 tách, nên cuộc thi còn những tên khác gọi là juppukucha (10 tách trà) và gojuppukucha (50 tách trà). Nhân viên phục vụ đem chén hoặc tách chứa sẵn trà bột ra cho khách. Khi khách đã ngồi vào chỗ, họ sẽ đổ nước nóng vào tách và đánh bông trà để chuẩn bị.
Một trong những ví dụ sớm nhất về đấu trà là bài giảng Hoa viên viện thần ký(Hanazonoin Shoki) của Thiên hoàng Hanazono, viết ngày 18.11.1324, vào cuối thời Kamakura. Tám năm sau, Hoàng đế Kogon viết bài Quang Nghiêm thiên hoàng thần ký (Hồi ký của Hoàng đế Kogon) vào tháng 6 năm 1332, cho biết triều đình cũng đã tổ chức đấu trà. Ngoài ra, Thái bình ký (Taihei-ki ) viết rằng thi hào Tá Tá Mộc Đạo Dự (Sasaki dōyo) đã mở một cuộc thi đấu trà quy mô, với giải thưởng lớn là Bách phục trà (百服茶).
Từ giữa thế kỷ 15, khi văn hóa Đông Sơn (Higashiyama bunka, 1436-1490) chuyển đổi, đấu trà bắt đầu suy giảm. Tuy nhiên, do nhóm Kabuki yêu thích nên từ thế kỷ 17, việc đấu trà có tên mới là trà Kabuki. Điều này được ghi nhận trong Ca vũ kỹ trà (Senke Shichijiki) và trở thành một phần của nghi thức Trà đạo sau đó.
Các cuộc đấu trà có thể ồn ào, náo nhiệt giống như cờ bạc, song có thể xem là bước đệm giữa việc sử dụng trà để chống buồn ngủ của Phật giáo Thiền tông và trà đạo thế tục, kể từ khi nó lần đầu tiên phổ biến việc uống trà bên ngoài các tu viện.
Trong cuộc thi Kabuki đấu trà hiện đại, người chơi phải trả lời đúng nguồn gốc của 5 loại trà, quy tắc này không thay đổi ngày nay. Tại thị trấn Nakanojo, tỉnh Gunma, tục lệ đấu trà Bạch cửu bảo trà giảng (Shirakubo no Ochako) được coi là tài sản văn hóa dân gian phi vật thể quan trọng của đất nước Nhật Bản.
Tác giả Vương Trung Hiếu (báo Thanh Niên)