“Thánh trà” Lục Vũ và Trà Kinh

Uống trà sẽ nhớ tới “Thánh trà” Lục Vũ, tác giả cuốn Trà Kinh nổi tiếng. Cuộc đời ông là một truyền kỳ, và tất cả đều liên quan đến trà và Đạo. Kể rằng, vào năm Khai Nguyên thứ 21 đời Đường, một ngày khi vừa ngủ dậy hòa thượng Tích Công nghe thấy có tiếng chim nhạn từ đâu vọng lại. Ông mở cửa thì thấy đàn chim đang dang cánh ủ ấm cho một em bé sơ sinh nằm lạnh cóng trên nền đất. Ông bèn đem đứa trẻ về nuôi, và vì đứa bé nằm dưới cánh chim nhạn nên ông đặt tên là Lục Vũ.

Hòa thượng Tích Công rất thích uống trà, nên cậu bé Lục Vũ phải thường xuyên pha trà cho ông. Dần dà, Tích Công hòa thượng chỉ uống trà do Lục Vũ pha, nếu không phải Lục Vũ pha thì không uống. Đến khi Lục Vũ rời đi, ai pha trà ông cũng thấy nhạt nhẽo vô vị, từ đó mà đành ngậm ngùi từ bỏ nhã thú uống trà.

Khi hoàng đế biết chuyện, ngài đã vời hòa thượng Tích Công vào cung để thưởng thức trà cung đình, nhưng vừa nhấp một ngụm ông đã nhăn mặt chau mày không uống nữa. Hoàng đế lại bí mật triệu Lục Vũ vào cung rồi ra lệnh pha trà, Tích Công hòa thượng vừa nhấm thử đã tấm tắc khen rằng: “Đây đích thị là trà do Lục Vũ pha”.

Những năm sau này, Lục Vũ đã dành toàn bộ thời gian vào việc nghiên cứu trà và tổng kết trong một cuốn sách gọi là Trà Kinh, nâng văn hóa thưởng trà lên một cảnh giới cao của tinh thần.

Tương truyền, người Hồi Hột ở phương Bắc có giống ngựa quý, hàng năm họ đều mang ngựa đến Đường triều để đổi lấy trà. Một lần sứ thần Hồi Hột mang ngàn con ngựa tới, nhưng không phải đổi trà mà là để đổi lấy cuốn sách quý tên là Trà Kinh. Lời đề nghị đường đột này khiến nhà Đường phải đi tìm khắp dân gian, hỏi thăm qua bao vùng đất, lặn lội qua bao địa danh, cuối cùng mới tìm thấy cuốn Trà Kinh mà sứ giả yêu cầu.

Dùng trà có thể hành Đạo, dùng trà có thể đạt được chí thanh cao

Về sau người Nhật Bản nhờ học hỏi nghệ thuật trà Trung Hoa mà nâng lên thành Trà Đạo, khái quát lại trong bốn chữ: Hòa – Kính – Thanh – Tịch (和 – 敬 – 清 – 寂). Nhưng các triết lý về trà không dừng lại ở đó. Người yêu trà tổng kết ra “Trà đạo lục sự”, bao gồm trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ, trà tâm – thông qua sáu yếu tố này mà chứng ngộ tinh thần của Đạo. Trong Ẩm trà thập đức cũng viết: “Dĩ trà khả hành đạo, dĩ trà khả nhã chí”, nghĩa là, dùng trà có thể hành Đạo, dùng trà có thể đạt được chí thanh cao.

 

Cũng chính từ đó mà văn hóa thưởng trà trở nên tinh tế, cầu kỳ và hoa mỹ. Người Nhật Bản thưởng trà là phải ngồi trong khung cảnh có thể nuôi dưỡng thiền tâm. Đó có thể là căn phòng nhỏ trang nhã, thanh tịnh, gọi là “trà thất”, hay cũng có thể là vườn cây bình yên, tĩnh tại, gọi là “trà viên”, được Kobiri Emshiu miêu tả là:

“Một chòm cây mùa hạ,
một nét biển xa xa,
một vừng trăng chiếu mờ nhạt.”

“Tôi nhìn ra,
không có hoa,
cũng không có lá.

Trên bờ biển,
một chòi tranh đứng trơ trọi,
trong ánh nắng nhạt chiều thu.”


Còn với người Trung Hoa, trà ngon phải là cây trà được thiên nhiên nuôi dưỡng, mọc nơi núi cao rừng thẳm, không vương bụi trần, chỉ có gió núi mây ngàn. Rồi trà ấy lại phải được pha bằng thứ nước tinh khiết như nước ở Nam Nhũ, cất trong chiếc ấm nặn từ bùn đất đã chôn lâu ngày, kinh qua lửa thời gian hun đúc, và lại được tháng năm bào mòn thành bóng láng… Người thưởng trà cũng phải là bậc sâu sắc và cao khiết, có thể bỏ lại sau lưng mọi thế gian tục sự để toàn tâm toàn ý bên chén trà.

Thưởng trà, là phải giống như nàng Diệu Ngọc trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Diệu Ngọc là một ni cô sống khép mình trong am Lũng Thúy, cô tịch, yên tĩnh, nằm ở một góc nhỏ của vườn Đại Quan hoa lệ. Cô giống như đóa hoa lan lặng lẽ, trang nhã, ngát hương, nhưng lại có phần tịch mịch. Cả đời mình Diệu Ngọc tâm đắc nhất với hai câu thơ:

“Cửa sắt nghìn năm dầu vững chắc

Đất bùn một nắm cũng chôn vùi”.


Xưa có một vị thiền sư rất giỏi thư pháp, nổi danh xa gần. Người đến xin chữ của ông nhiều không đếm xuể, chen lấn đến nỗi làm gãy cả bậu cửa, sau ông phải lấy lá thép bọc lại mới giữ cho bậu cửa được bền lâu. Nhưng nào hay biết rằng, người đời trong phồn hoa xô bồ, tranh tranh đoạt đoạt, giành giật cả một đời, nỗ lực cả một đời, vinh nhục cả một đời, cuối cùng đều phải ngậm ngùi kết thúc dưới nấm mồ.

Đây cũng chính là ý tứ đằng sau hai câu thơ: “Cửa sắt nghìn năm dầu vững chắc/ Đất bùn một nắm cũng chôn vùi”. Diệu Ngọc nhờ hai câu thơ đó mà thấu triệt cái lẽ sinh tử, ngộ ra đạo lý của nhân sinh. Bởi vậy, mặc dù chưa hoàn toàn dứt đoạn trần duyên, nhưng Diệu Ngọc vẫn luôn giữ thái độ dửng dưng với thế sự, sống bình thản trong am Lũng Thúy, an tĩnh mà cô tịch, giống như đóa hoa lan thanh khiết mặc kệ phồn hoa ngoài cửa thiền.

Một tâm hồn cao khiết như thế thì khi thưởng trà sẽ có bao nhiêu phần ý vị, bao nhiêu phần thanh tao?

Trong truyện kể rằng, Diệu Ngọc pha trà là pha bằng nước tuyết đọng trên hoa mai, nghĩa là một thứ nước thanh khiết, và cũng là lấy từ một nơi thanh tịnh, đó là nước tuyết trên hoa mai trong chùa Huyền Mộ Bàn Hương từ 5 năm trước. Thứ nước ấy chỉ chứa đầy một lọ hoa xanh, chôn xuống đất, xưa nay vẫn tiếc không nỡ dùng.

Mà thứ trà thanh khiết ấy thì đựng bằng gì? Chén rót mời Bảo Thoa – một đóa mẫu đơn rực rỡ, đài các, đoan trang, nền nã – thì phải là chiếc chén cổ mang dòng chữ “Vương Khải trân ngoạn”, nghĩa là chiếc chén quý của Vương Khải ngày xưa. Còn chén rót mời Đại Ngọc – một tâm hồn băng thanh ngọc khiết, cao quý vô ngần – thì phải là chiếc chén khắc ba chữ “điểm tế kiều”, nghĩa là có tâm linh tương thông. Đại Ngọc và Diệu Ngọc cùng là phường cô tịch cao khiết, có thể giao cảm tâm linh, vậy nên chén quý mời khách quý cũng phải sánh với mối tình tri giao ấy.

“Có thứ mùi vị là niềm vui thanh đạm, giữa phồn hoa lại thấy được thuần chân”

Trước nay cứ ngỡ trà ở đâu vẫn chỉ là “trà” thôi, nào ngờ trà của mỗi vùng đất, mỗi con người, mỗi văn hóa lại khác nhau nhiều đến thế. Nếu như trà Nhật Bản là “Đạo”, trà Trung Hoa là “Mỹ”, trà Hàn Quốc là “Lễ”, thì trà Việt lại gắn liền với chữ “Chân” – mộc mạc, đơn sơ, dung dị, thuần phác.

Người Việt ngồi bên tách trà không phân sang hèn, không kể thân sơ, cũng có thể đàm đạo dăm ba câu chân tình. Người ta nói uống rượu là để say, càng uống lại càng say, uống cho quên hết sự đời, cho mê man, có khi say đến mức quên cả bản thân mình, quên cả đường về nhà. Nhưng uống trà lại là để tỉnh. Người ngồi bên tách trà không hấp tấp, không vội vàng, cứ thế nhàn tản mặc gió mưa.

Nâng chén trà thơm, có khi luận bàn chuyện nhân tình thế thái, có khi lại mường tượng về những tháng ngày xưa cũ, chuyện gì cũng có thể thổ lộ tâm tình nơi bàn trà. Uống trà là phải như người Việt, cứ thong thả mà trải lòng mình, mặc cho thời gian cứ thế trôi.

Dẫu không phải là người đã nếm đủ sự đời, nhưng sẽ đến một lúc nào đó ta chợt nhận ra rằng: Trần gian vạn nẻo, đều là để tìm về một chốn bình yên.

Nghe nhạc cũng vậy, âm nhạc đích thực là nên để tâm hồn thăng hoa, từng nốt nhạc du dương trầm bổng, khi cao vút, khi êm đềm, khi lắng đọng, giống như dòng suối nhẹ nhàng cuốn trôi đi lớp bụi phủ dày trong tâm trí. Tôi đã từng được nghe một bản nhạc như thế, trong veo, khiến tâm mình tĩnh tại mà hòa theo tiếng đàn. Xem vũ đạo cũng vậy, màn vũ đạo đích thực rất có thể sẽ khiến người xem như lạc vào tiên cảnh, tâm và thân hòa hợp, chỉ muốn rũ bỏ mọi hồng trần để đạt tới độ thánh khiết thanh cao.

 Thưởng thức hội họa cũng vậy, hội họa đích thực là phải làm rung động mọi trái tim sắt đá, khiến những tâm hồn chai sạn và lạnh lùng kia được gột rửa mà trở nên thuần khiết hơn. Mà cái hồn ấy không phải đến từ thủ pháp nghệ thuật người ta chỉ cần bỏ tiền ra là học được, mà là kết tinh từ tâm hồn nghệ sĩ. Khi người nghệ sĩ đạt đến cảnh giới cao của tinh thần, thì phải chăng nét vẽ, tiếng đàn, hay điệu múa sẽ đạt đến độ mà người ta vẫn nói là “xuất thần nhập hóa”?

Nói xa xôi vậy cũng chỉ là tản mạn bên chén trà. Nhà văn Bạch Lạc Mai có một câu rất hay rằng: “Có thứ mùi vị là niềm vui thanh đạm, giữa phồn hoa lại thấy được thuần chân”. Trà ngon cũng giống như ngọc dịch quỳnh tương, khi người thưởng thức có thể rũ bỏ mọi thế gian tục sự, buông xuống những ân oán thị phi, để tâm mình lắng lại, tĩnh tại, bình yên, thì không cần lễ nghi phiền phức, không cần bình ngọc chén vàng, vẫn có thể chạm đến cái “Đạo”, cái “Thiền” của trà…

DKN