Giới Thiệu Về Ấm Tử Sa Nghi Hưng

Giới Thiệu Về Ấm Tử Sa Nghi Hưng

Loạt bài tìm hiểu về ẤM TỬ SA NGHI HƯNG Phần 1: GIỚI THIỆU VỀ ẤM TỬ SA NGHI HƯNG Phần 2: CUNG XUÂN - TRUYỀN THUYẾT VỀ NƠI BẮT ĐẦU Phần 3: VỊ TRÍ CỦA ẤM TỬ SA TRONG NGHỆ THUẬT THƯỞNG TRÀ Phần 4: CÁCH CHỌN ẤM TỬ SA NGHI HƯNG Phần 5: CÁCH CẦM MỘT CHIẾC ẤM TỬ SA Phần 6: CỌ RỬA ẤM TỬ SA

Loạt bài giới thiệu về ấm tử sa Nghi Hưng:

Truyền thuyết kể rằng, có một người tăng sĩ thích du ngoạn trên các dòng suối trên núi cao, khi ông đi từ sườn phía nam của núi Vũ Di đến phương bắc xa xôi, ông nhìn thấy một ngôi làng nghèo đơn sơ nhưng có phúc khí. Ông dừng lại để quan sát mọi người nơi đây thì bất chợt ông nhận ra rằng dân làng ai ai cũng hòa ái, vị tha và nhân hậu. Ông quyết định giúp mọi người để thay đổi số phận của dân làng, do vậy, ông có mặt tại trung tâm của ngôi làng vào sáng hôm sau.

Ông kêu lớn: “Trí đức thay đổi cuộc sống!” – nhưng không ai dừng lại để lắng nghe những gì ông nói vì người dân vốn đã bằng lòng với cuộc sống hiện có. Xong ông vẫn muốn đề ra một con đường dẫn đến việc tu luyện, để làm chủ và thức tỉnh trong cuộc sống. Do vậy ông quyết định quay trở lại ngôi làng ngày hôm sau.

“Tự do là hạnh phúc” – nhưng lần nữa, khái niệm này lại quá mơ hồ đối với những con người chất phác. Rồi họ bắt đầu bàn tán về nhà sự lập dị và những câu nói kỳ lạ của ông, họ phân vân không biết ông là bậc thánh hay là một kẻ điên. Đêm đó, sau khi nhập định trên núi cao, nhà sư liền nhận ra dân làng có lẽ cần một cách thức đơn giản mà thiết thực hơn trong cuộc sống để có thể lĩnh hội con đường của Đạo Đức. Họ cần một phương thức, thông qua đó có thể thấu triệt, tạo tác và trau truốt nên cuộc sống vô hạn.

Ông bàn bạc với núi và gió. Gió đang bận trải hạt giống cho cây. Nhưng núi nhớ ơn dân làng khi cùng chung sống trên quả đất, bèn kể với nhà sư về một loại quặng quý được chôn sâu dưới lòng đất, một khi dân làng khai thác thứ quặng đó, mọi người có thể tự do sáng tạo mọi thứ mà họ tưởng tượng.

Nhà sư đã tìm thấy câu trả lời. Có món quà nào tuyệt vời hơn trí tưởng tượng và sáng tạo vô hạn và còn hình thành kế sinh nhai của dân làng sau này. Do vậy, sáng hôm sau, nhà sư đến ngôi làng lần nữa.

“Giàu có chưa từng thấy!” – điều này tất nhiên thu hút sự chú ý của mọi người, mọi người đều tụ tập xung quanh lắng nghe những gì nhà sư nói. Họ đi theo nhà sư đến ngọn núi gần đó, nơi ông đã đào sẵn một cái hang. Ông bước vào đó và trở ra với khối quặng tuyệt đẹp trên tay, giải thích tường tận về cách khai thác và cách luyện thành đất sét để có thể nặn ra bất cứ thứ gì mọi người mong muốn. Chính điều này sẽ mang lại danh tiếng, thịnh vượng mãi mãi cho ngôi làng. Mọi người say mê và làm theo lời nhà sư nói.

Ngay lúc ấy, nhà sư hiện thân thành con rồng vàng, bay về phương bắc. Từ đó trở đi, các thế hệ dân làng từ đời này sang đời khác đã ra công nghiên cứu và sáng tạo những chiếc ấm trà từ mỏ quặng quý giá đó. Và ngọn núi nhà sư đưa dân làng đến, nơi này được mang tên là “Hoàng Long Sơn.”

Hiện nay trên thế giới không có nghệ thuật gốm sứ nào trên thế giới giống như ấm trà Tử sa Nghi Hưng, vì chúng không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà vẻ đẹp của nó – nghệ thuật thưởng trà, thông qua ấm tử sa đã thể hiện đúng bản chất của một môn nghệ thuật sống. Các ấm trà tử sa muốn được sử dụng, cần được sử dụng và nên được sử dụng. Càng được sử dụng nhiều, nó tự thân sẽ phát triển theo thời gian, khoác lên trên mình một chiếc áo bóng nhuận theo thời gian.

Quặng Tử Sa nói chung bao gồm Thạch anh, Isin-glass, Kaolinit, Mica, Hematit, Sắt và một số nguyên tố vi lượng khác. Khi được nung ở 1000-12500C, Thạch anh và Isin-glass không bị nóng chảy và hình thành nên thứ mà thợ gốm gọi là “Cấu trúc lỗ kép – Khí khổng kép” – hình thành nên mối liên kết bền chặt giữa ấm và trà. Chính các lỗ khí khổng này tạo điều kiện cho tinh dầu của trà hấp phụ vào thành ấm, dần dà, ấm sẽ ‘dày lên’. Nói cách khác, khí khổng hấp phụ tất cả hương thơm và tinh túy của các loại trà được pha trong ấm theo theo gian.

Ngoài ra, khí khổng còn giúp ẩm hoàn toàn có khả năng chịu được sự thay đổi nhiệt độ đột xuất, do vậy, ta có thể tráng ấm bằng nước sôi ngay cả trong mùa đông lạnh giá. Và còn gì tao nhã hơn là hình ảnh nhìn phía xa xa của những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng qua một chiếc ấm Nghi Hưng đang tỏa khói nghi ngút.

Cơ chế hoạt động của lớp mao dẫn này cũng giúp ấm tử sa giữ được nhiệt độ lâu hơn bình thường, đây là yếu tố quan trọng trong nghệ thuật thưởng trà. Nếu nhiệt độ trong ấm được duy trì ở mức độ ổn định, thêm vào đó hoạt động của trà nhân nhẹ nhàng mà uyển chuyển sẽ giúp tinh túy của trà từ từ tiết ra, góp phần làm cho các tuần trà không có sự thay đổi nhiều giữa các lần chiêm nước. Điều đó có nghĩa là trà sẽ được bền dai hơn. Thực tế đã chứng minh, ấm tử sa làm cho trà mịn quyến hơn, và đó cũng là lý do tại sao ấm Nghi Hưng đã kết hợp với trà hàng trăm năm qua.

Trong các tác phẩm kinh điển về trà đã để lại có ghi chép về việc Minh Thái Tổ (1368-1644) đã ban sắc lệnh cấm đối với trà bột (Matcha ngày nay), do vậy những người yêu trà đã chuyển dần sang dùng trà lá. Do vậy, các lò gốm trên khắp Trung hoa bắt đầu sản xuất dụng cụ pha trà phù hợp với phong cách dùng trà mới theo sắc lệnh của nhà vua. Cũng trong thời gian này, các nước phương tây cũng bắt đầu yêu trà và dần quen với phong cách pha trà này – dùng ít lá trà và hãm trà trong chiếc ấm lớn. Rất nhanh, ấm Tử sa Nghi Hưng đã phát triển rộng rãi ở Trung Hoa và các nước trên thế giới thông qua Con đường lơ lụa (cả đường bộ và đường thủy).

Lúc đó, nhiều gia đình hợp lại chung một lần nung vì nung củi rất tốn kém nên hầu như không có thợ gốm nào đốt lò riêng lẻ. Và phong tục này hiện vẫn còn gìn giữ ở các ngôi làng gốm truyền thống ở Nghi Hưng ngày nay, kết quả là cả thị trấn được gọi là ‘Lò nung’. Và hầu hết các thợ gốm đều muốn thử tay nghề với ấm trà, chính vì thế Nghi Hưng đã trở thành ‘Thị trấn Ấm trà’, tất cả mọi người từ đàn ông, phụ nữ, già trẻ hầu như đều tham gia vào một số công đoạn của sản xuất ấm. Các ngành nghệ thuật khác hầu như mỗi người đều có kỹ năng riêng, thế nhưng, đối với thợ gốm tử sa, việc chế tạo ấm từ tuyển quặng, thợ mỏ, chế biến đất sét, thơ gốm, thợ lò và người bán hầu như đều tự người thợ gốm tham gia bên cạnh với những chuyên gia của từng phân đoạn. Vì vậy, mỗi chiếc ấm Tử sa thành phẩm hoàn hảo đều chứa đựng trong đó biết bao tinh túy và tâm huyết của những người thợ thủ công.

Quặng Nghi Hưng được khai thác, sau đó để ngoài trời phong hoá cho đến khi các khối quặng vỡ vụn và ngày càng giống các hạt cát. Sau đó chúng được mang đi nghiền thành bột và qua sàng để phân chia theo mức độ mịn của bột quặng. Tiếp đó, chúng được tinh chế thông qua ngâm nước và mang đi nghiền thành đất sét, rồi mang đi ủ – quá trình trần hủ này trải qua càng lâu càng tốt.

Qua nhiều năm phát triển, nghệ thuật Tử sa Nghi Hưng kết hợp với các nghệ thuật khác thời trung cổ, hình thành nên nghệ thuật truyền thống phong phú của Trung Hoa. Các nhân sĩ thời trước đều là những người nghệ sĩ và đều có quyện thắt bền chặt sâu sắc đối với trà, cho nên họa tiết trên ấm sớm đã có thêm những thủ ấn thư pháp, hội họa, điêu khắc, thậm chí có cả những chiếc ấm được khắc cả thơ ca của tác giả. Và tất nhiên, đó là những chiếc ấm được ưa chuộng nhiều nhất bên cạnh những chiếc ấm do những thợ ấm nổi tiếng làm ra. Ấm Nghi Hưng đã cảm hứng đến tất cả các loại hình nghệ thuật và ngược lại.

Cuối cùng, hai trường phái chính ảnh hưởng đến nghệ thuật thưởng trà Trung Quốc là trường phái miền Bắc và miền Nam. Các thành phố phía bắc, gần thủ đô, phồn thịnh và danh tiếng, ấm Tử sa đa phần sẽ có nhiều họa tiết trang trí thể hiện sự quyền quý sung túc và có dung tích lớn, trong khi miền Nam, người dân lại chuộng những chiếc ấm nhỏ nhắn đơn giản để pha trà cho mình và bạn bè thân thiết.

Giống như những bánh trà già tuổi, những chiếc ấm Tử sa cũng tồn tại ý thức và vận mệnh của riêng chúng. Ấm Tử sa dường như có sự liên kết quyện thắt với chủ nhân của nó. Khi bước vào cửa tiệm trưng bày đầy ấm, mỗi người hầu như đều bị lôi kéo bởi một chiếc ấm riêng biệt, giống như những người bạn lâu năm được gặp lại nhau, và đôi khi tôi tự hỏi, tôi uống trà là vì trà hay vì ấm?! Một chiếc ấm trà đơn giản đã mang theo tất cả sự yên bình và lắng đọng của tôi hòa quyện với trà, cùng nó, tôi hòa quyện tôi vào cuộc sống thường nhật.

Ba màu của Khoáng Đoạn Nê Nguyên Bản

 Phần quan trọng làm nên đặc trưng của ấm Nghi Hưng đó là nguyên liệu đất sét khoáng nguyên bản. Bởi vì đất sét tự nhiên không chứa chì nên đồ gốm được sử dụng trong đồ gia dụng thường ngày, có thể dùng để chứa đồ ăn thức uống ngay sau lần nung đầu tiên mà không cần tráng men. Khi không tráng men, đất sét vẫn xốp mịn giống như cát.

Khoáng tử sa nguyên bản Nghi Hưng có nguồn gốc từ quặng, được khai thác từ các tầng sâu trong lòng đất. Các mỏ khai thác được đào sâu hàng trăm mét, phần lớn là sâu từ 40-75m dưới mực nước biển.

Sau khi khai thác, quặng chính là một khối đá đặc quánh. Sau đó, quặng trải qua quá trình ăn mòn gọi là phong hóa nhiều năm trong không khí đến khi tự nó rã thành những viên sỏi nhỏ bằng hạt đậu. Kế tiếp, chúng được nghiền nhỏ thành bột cát và ủ (trần hủ) trong một thời gian dài. Thời gian trần hủ phụ thuộc vào từng loại quặng nhưng đa phần là để theo triết lý “càng lâu càng tốt” được truyền tụng trong ngành khi nói đến việc luyện khoáng và dự trữ quặng.

Thêm nước và sàng lọc để phân loại độ mịn của bột quặng. Nếu bột để lại cát nhiều hơn thì đất sét thường có kết cấu xốp hơn khi nung. Các loại sàng có kích thước khác nhau là để tạo ra các kết cấu khác nhau này. Sau đó, đất sét tạo thành tấm và được đập bằng một thanh vồ gỗ lớn để làm khối đất sét kết dẻo. Các loại oxit màu nhân tạo cũng có thể được pha trộn ở giai đoạn này cho đến khi đất sét lên màu và độ đặc theo ý muốn.

Sắc Màu Cầu Vòng

Việc phân loại quặng/đất sét từ Nghi Hưng có thể hơi khó hiểu, nhưng có thể gom vào những nét cơ bản sau đây.

Thật khó để hình dung khi tất cả đất sét khoáng nguyên bản từ Nghi Hưng đều được gọi là Tử Sa. Theo truyền thống, đất Tử Sa được gọi là đất Ngũ Sắc (ngũ sắc thổ), chữ ngũ ở đây là dùng để chỉ sự đa dạng về màu sắc, không phải là chính xác có 5 màu mà còn nhiều hơn 5 màu, năm màu thường thấy của quặng tử sa là tím, đỏ, xanh lục, vàng và đen. Sự đa dạng mảng màu trong ấm trà Nghi Hưng liên quan đến ba yếu tố chính là: quặng khai thác ở đâu, loại quặng nào và nhiệt độ nung. (Tất nhiên điều này là nói đến Khoáng Tử Sa Nguyên Bản). Mỗi loại quặng có màu sắc đặc trưng sau khi nung.

Quặng đất sét Tử sa nguyên bản được phân thành: Tử Nê – quặng thô dạng đá màu tím hoặc đen; Hồng Nê – quặng thô dạng đá màu vàng; Lục Nê – quặng thô đáng màu xanh lục; Chu nê – quặng thô màu vàng sậm ngả tính sét, Đoạn Nê – quặng thô dạng đá màu xanh xám tro (thanh khôi). Những năm trước, quặng có đủ năm màu, nhưng ngày nay, quặng nguyên bản hầu như khó gặp như Lục Nê.

Ba loại Khoáng Tử Nê Nguyên Bản

 

Hồng Nê Nguyên Bản và Hồng Nê trộn Oxit Sắt

Phân loại theo màu sắc sau khi nung thì gồm 3 nhóm lớn là Tử Nê, Hồng Nê và Đoạn Nê. Mỗi họ đều có nhiều phân loại nhỏ bên trong, trong đó là Lục Nê được gom vào Đoạn nê và Chu Nê được gom chung vào Hồng nê do có màu sắc khá tương đồng sau khi nung.

Có nhiều cách để phân loại tử sa Nghi Hưng, nhưng được sử dụng nhiều nhất là phân loại theo địa điểm khai thác. Quặng khoáng chất lượng nhất là quặng ở núi Hoàng Long, kế đến là Thanh Long thế nhưng mỏ quặng ở hai khu núi này đã bị đóng cữa vào cuối những năm 1990. Các vùng khác của Nghi Hưng là Phục Đông vẫn được tiếp tục khai thác.

Ngoài vị trí địa lý, địa tầng khai quặng cũng là một cách để phân loại khoáng tử sa. Khi quặng đất sét hoàn toàn là quặng tự nhiên không pha trộn thì được gọi là Thanh Thủy Nê, một khoáng tầng nổi tiếng được gọi là Đế Tào Thanh. Mặc dù đây là một trong những loại quặng có giá trị nhất, nhưng điểm này không có nghĩa là quặng đó là lựa chọn hàng đầu cho thợ gốm và cho trà. Ngay cả trong một mạch đơn lẻ, độ tinh khiết của bất kỳ một quặng nào cũng có thể khác nhau rất nhiều, cho nên từ Chu Nê – đỏ tươi, đến Chi Ma Đoạn Nê cũng có xem lẫn các hạt cát sẫm màu như hạt mè. Điều này không những gây khó hiểu cho người mới nghiên cứu, ngay cả các chuyên gia trong ngành phối luyện cũng không thể lý giải được điều này. Họ là những bậc thầy trong việc phối trộn đất sét để tạo nên tính thẩm mỹ và hiệu ứng để phù hợp với từng dòng trà, thậm chí trên từng loại trà cụ thể.

Một khía cạnh khác ảnh hưởng đến màu của ấm tử sa sau khi nung đó là Nhiệt độ. Nhiệt độ nung ảnh hưởng rất lớn đến màu sắc của khoáng tử sa nguyên bản. Trong mỗi loại của các họ đất sét (tùy thuộc vào cách phân chia quặng), mỗi loại quặng có thể nung ra từ ba đến năm màu chính với vô số sắc thái tinh tế. Ví dụ như Tử Nê có thể cho ra từ màu nâu đỏ đến tím sẫm và Đoạn Nê cho ra màu từ tông trắng kem đến vàng xám xẫm.

Dưới đây là một số loại quặng nổi tiếng được phân loại theo cách đơn giản là Tử Nê, Hồng Nê và Đoạn Nê. Chúng đã được nung đúc cô đặc trong tầng sâu của vỏ trái đất hàng triệu đến trăm triệu năm để trở thành một ấm Tử sa bạn đang cầm trong tay.

               Hồng Ma Tử

Hồng Bì Long

Bạch Nê

Phục Đông Tử Nê

Hoàng Long Sơn Đoạn Nê

Lão Hồng Nê

Lâm Gia Thôn Đoạn Nê

Tân Tử Nê

Chu Nê

Thạch Hồng

Thạch Hoàng

Lão Tử Nê

Hoàng Ma Tử

Giáng Ba Nê

Miên Đầu Nê

Đế Tào Thanh

COMMENTS

Wordpress (0)
Disqus (0 )
error: Content is protected !!