CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP CỦA NGHỆ NHÂN ẤM TỬ SA
Bài viết về cấp bậc nghệ nhân tử sa sẽ đem lại cái nhìn tổng quan nhất cho người chơi về các cấp độ của chứng chỉ nghề nghiệp nghệ nhân ấm tử sa và những yêu cầu để có thể được đăng kí tăng chức danh nghề nghiệp.
Những người chơi và sưu tầm ấm tử sa đều biết rằng nghệ nhân tử sa có trình độ càng cao thì sản phẩm làm ra càng chuẩn và giá thành tác phẩm cũng tương đối cao hơn.
Dù những chức danh nghề nghiệp này chỉ là một chứng chỉ không phản ánh hoàn toàn chất lượng nghệ thuật của tác phẩm nghệ nhân ấm tử sa chế tác ra nhưng để đạt được sự công nhận này, nghệ nhân ấm tử sa đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, tâm huyết và thời gian để rèn luyện, cống hiến và nghiên cứu.
Quá trình chế tác ấm trà tử sa tưởng chừng đơn giản nhưng lại phải trải qua hàng chục công đoạn nhào nặn phức tạp, độ khó của một tấm chứng chỉ khác xa với những gì mọi người nghĩ, trong số những người đủ tiêu chuẩn để đi thi thì tỷ lệ được nghiệm thu chỉ khoảng 30%.
Ngoài kỹ năng thủ công nghệ thuật tử sa, việc tuân thủ pháp luật và uy tín công dân thông qua cá hoạt động kê khai thuế, tham gia các hoạt động phúc lợi công cộng, sự đóng góp cho nghệ thuật tử sa cũng được đưa vào các điều kiện cần thiết để thăng chức danh kỹ thuật của nghệ nhân tử sa. Nếu nghệ nhân tử sa không đáp ứng điều kiện này, họ sẽ bị từ chối khi đăng ký chức danh nghề nghiệp. Mỗi khi nghệ nhân tử sa tăng chức danh nghề nghiệp này thì phải tăng số người thấp hơn mình một bậc hoặc cùng bậc hoặc cao hơn mình một bậc theo tỉ lệ số lượng các chức danh một cách hợp lí, điều này đòi hỏi phải có sự khắt khe trong việc đánh giá sự đóng góp và nghĩa vụ đối với xã hội để đảm bảo tính kế thừa, phát huy và cạnh tranh nghề nghiệp. Nếu một nghệ nhân đủ các điều kiện để tăng chức danh nghề nghiệp nhưng không thể tiếp tục chế tác ấm trà tử sa do yếu tố thể chất hoặc tuổi tác, đồng nghĩa với việc sẽ không tham gia vào các hoạt động phúc lợi xã hội và không thể đóng góp cho nghệ thuật tử sa thì chắc chắn họ sẽ bị từ chối khi đăng kí tăng chức danh nghề nghiệp.
Bài viết về cấp bậc nghệ nhân tử sa sẽ đem lại cái nhìn tổng quan nhất cho người chơi về các cấp độ của chứng chỉ nghề nghiệp nghệ nhân ấm tử sa và những yêu cầu để có thể được đăng kí tăng chức danh nghề nghiệp. Nghệ nhân tử sa thường được đánh giá dựa trên trình độ chế tác ấm tử sa, số năm họ đã làm việc và số lượng giải thưởng đã đạt được. Họ thường được chia thành nhiều cấp độ như Thợ thủ công; Trợ lý công nghệ mỹ thuật sư; Công nghệ mỹ thuật sư; Cao cấp công nghệ mỹ thuật sư (Cao công) và Công nghệ mỹ thuật đại sư (Đại sư).
Cấp độ 1: Thợ thủ công
- 1. Trình độ học vấn: Trung học phổ thông trở lên
- 2. Hơn 7 năm kinh nghiệm chế tác đồ Tử sa
- 3. Có trình độ sơ cấp về nghệ thuật và thủ công
- 4. Có khả năng chế tác các loại ấm hoàn toàn thủ công.
Cấp độ 2: Trợ lý công nghệ mỹ thuật sư
- 1. Trình độ học vấn: Cao đẳng trở lên
- 2. Hơn 15 năm kinh nghiệm chế tác đồ Tử sa
- 3. Có trình độ trung cấp thủ công mỹ nghệ
- 4. Có khả năng chế tác các loại ấm hoàn toàn thủ công
- 5. Đạt hơn 2 HCV cấp tỉnh và hơn 1 HCV cấp quốc gia.
Cấp độ 3: Công nghệ mỹ thuật sư (CNMTS):
- 1. Trình độ học vấn: Trình độ cao đẳng trở lên
- 2. Hơn 20 năm kinh nghiệm chế tác đồ Tử sa
- 3. Có trình độ nghệ thuật và thủ công hoàn hảo.
- 4. Có khả năng chế tác các loại ấm hoàn toàn thủ công
- 5. Có hơn 3 huy chương vàng quốc gia
- 6. Xuất bản hai bài báo trên các báo chuyên ngành tử sa.
- 7. Có khả năng thiết kế sáng tạo.
Cấp độ 4: Cao cấp công nghệ mỹ thuật sư (Cao công):
- 1. Trình độ học vấn: Trình độ cao đẳng trở lên
- 2. Hơn 25 năm kinh nghiệm chế tác đồ Tử Sa
- 3. Có thể thuyết trình về lý thuyết kỹ thuật và mỹ thuật tử sa
- 4. Tham gia các hoạt động nghệ thuật và thủ công cấp quốc gia
- 5. Thiết kế, chế tác và sáng tạo đã giành được hơn hai huy chương vàng quốc gia.
- 6. Có 5 huy chương vàng quốc gia và 1 huy chương vàng quốc tế về sản phẩm tử sa.
- 7. Nghiên cứu và viết nhiều bài báo về các khái niệm thiết kế, lựa chọn vật liệu, sản xuất, nung…
Cấp độ 5: Công nghệ mỹ thuật đại sư (Đại sư):
- 1. Trình độ học vấn: Trình độ cao đẳng trở lên
- 2. Hơn 30 năm kinh nghiệm chế tác đồ Tử Sa
- 3. Có thể đưa ra các bài giảng cấp chuyên gia về lý thuyết nghệ thuật và thủ công tử sa.
- 4. Có thể thực hiện các kỹ thuật có độ khó cao
- 5. Có hơn 5 huy chương vàng quốc gia và 3 huy chương vàng quốc tế trong các lĩnh vực liên quan.
Trong Công nghệ mỹ thuật đại sư sẽ bao gồm Đại sư cấp tỉnh và Đại sư cấp quốc gia. Theo danh sách công bố mới nhất năm 2019 thì có tất cả 122 đại sư trong đó có 29 đại sư cấp quốc gia và 93 đại sư cấp tỉnh.
Tất nhiên, chức danh nghề nghiệp không phải là tiêu chí duy nhất để đo lường khả năng của nghệ nhân ấm tử sa, điều quan trọng là trình độ thẩm mỹ và khả năng cảm nhận của nghệ nhân và đời sống nghệ thuật mà họ đưa vào tác phẩm của mình. Đối với những nghệ nhân tử sa, quá trình làm ra những chiếc ấm trà tử sa thực sự thể hiện tình yêu của họ đối với nghệ thuật tử sa, cũng như sự theo đuổi đam mê, tâm huyết nghệ thuật, sự bền bỉ, sự cống hiến và là di sản văn hóa của nghệ nhân trong việc đưa nghệ thuật tử sa vào cuộc sống.
Cho nên, ngoài những nghệ nhân định hướng công việc với mục tiêu phát triển chức danh nghề nghiệp với những tiêu chí khắt khe còn có những nghệ nhân không muốn ràng buộc vào khuôn khổ, họ không dành thời gian để phát triển nghề nghiệp dựa trên những chức danh nghề nghiệp với những tiêu chí quá khắt khe mà đối với họ, chính bản thân tác phẩm sẽ phản ánh chính xác khả năng của người nghệ nhân. Họ được gọi là một nhóm riêng gọi là thực lực phái.
Tuy nhiên, chính bởi vì không có tiêu chí rõ ràng để xác định thực lực của nghệ nhân như vậy dẫn đến có sự hỗn loạn trong việc xác định khả năng của nghệ nhân và giá trị nghệ thuật của tác phẩm tử sa mà họ chế tác. Tất cả các nghệ nhân không muốn hoặc không có hoặc chưa có chứng chỉ nghề nghiệp đều muốn (được) gọi là thực lực phái để tự định giá trị của mình. Tất cả giá trị đều chỉ được xác định thông qua khả năng cảm thụ của người sưu tầm và trị giá của những cuộc đấu giá. Việc xác định trị giá này có thể đúng hoặc có thể sai vì quá dễ để tác động vào giá của những sản phẩm đấu giá, dẫn đến có những tác phẩm thực lực phái sau đấu giá, trị giá còn cao hơn giá tác phẩm của nghệ nhân đại sư hoặc cao công tử sa cho dù thời gian kinh nghiệm, số lượng tác phẩm đoạt giải của nghệ nhân thực lực phái chỉ nằm ở mức thấp hơn. Chưa kể, có những thợ thủ công chỉ cần gắn thêm chức danh đệ tử thực lực phái đã có thể bán được những tác phẩm có giá cao hơn cả giá ấm tử sa của những người có kinh nghiệm hơn họ 10-15 năm.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận đóng góp của những nghệ nhân thực lực phái trong việc thổi làm gió mới vào nghệ thuật tử sa, góp phần làm cho tác phẩm tử sa vượt ra khỏi khuôn khổ cứng nhắc truyền thống và mang nhiều hơi thở của nghệ thuật thời đại hơn.
Có thể nói, hệ thống chức danh nghề nghiệp đặt nặng vấn đề thời gian kinh nghiệm từ đó sẽ làm cho nghệ thuật tử sa mang nặng yếu tố “thủ công mỹ nghệ” nhưng sẽ góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống, hồn cốt của tử sa, còn hệ thống thực lực phái sẽ góp phần thúc đẩy khả năng sáng tạo của nghệ nhân từ đó sẽ làm cho tác phẩm tử sa nghiêng về yếu tố thẩm mỹ thời đại hơn. Mỗi hệ thống đều góp phần làm cho nghệ thuật tử sa ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, muôn hình, muôn vẻ.
———————————————–
SG, 06/03/2022
Lão Tà – An Nhiên Tịnh Quán
(Tổng hợp và dịch)