Ấm tử sa giả được làm bóng bằng “nước kính”
Ấm tử sa giả được làm bóng bằng nước kính. Bản chất của "NƯỚC KÍNH" là gì? Tại sao người ta lại cho "nước kính" vào nguyên liệu làm ấm trà? Ngoài "nước kính" người ta thường cho thêm gì nữa. Mời quý vị trà hữu cùng tìm hiểu.
_____________________________________________________
ẤM TỬ SA ĐƯỢC LÀM BÓNG BẰNG “NƯỚC KÍNH”
Hiện nay, khi đi mua ấm tử sa các bạn mới chơi thường được nghe là ấm có pha “nước kính” (hay nước làm kính). Chữ “nước kính” này sẽ tạo ý nghĩ là “nước có chứa kính” hay là “một loại hoá chất kết dính dạng như xi măng” được thêm vào nguyên liệu làm ấm.
Vậy bản chất của “NƯỚC KÍNH” là gì? Tại sao người ta lại cho “nước kính” vào nguyên liệu làm ấm trà? Ngoài “nước kính” người ta thường cho thêm gì nữa. Mời quý vị trà hữu cùng tìm hiểu.
Như tất cả chúng ta đã biết, khoáng tử sa là một loại “đất sét đá”, bản chất của khoáng tử sa cũng cũng không khác biệt nhiều về thành phần hoá học so với các loại “đá” hoặc “đất sét” khác mà trong tự nhiên chúng ta thường gặp. Trong đó, SiO2 chiếm phần lớn hàm lượng, khoảng 50 – 60%. Điều này có nghĩa là trong tất cả các loại đồ gốm làm từ đất sét hay quặng rìa tử sa hay quặng tử sa nguyên bản đều có chứa SiO2. (Bạn có thể đọc thêm về khoáng tử sa trong bài viết: “KHOÁNG TỬ SA NHÌN TỪ CẤU TRÚC VẬT LÝ VÀ THÀNH PHẦN HOÁ HỌC”)
Đọc đến đây chúng ta nên tìm hiểu một chút về quá trình làm thuỷ tinh: “Thủy tinh, đôi khi trong dân gian còn được gọi là kính hay kiếng, là một chất rắn vô định hình đồng nhất, có gốc silicát, thường được pha trộn thêm các tạp chất để có tính chất theo ý muốn.
Trong vật lý học, các chất rắn vô định hình thông thường được sản xuất khi một chất lỏng đủ độ nhớt bị làm lạnh rất nhanh, vì thế không có đủ thời gian để các mắt lưới tinh thể thông thường có thể tạo thành. Thủy tinh cũng được sản xuất như vậy từ gốc silicát.
Silicát là điôxít silic (SiO2) có trong dạng đa tinh thể như cát và cũng là thành phần hóa học của thạch anh. Silicát có điểm nóng chảy khoảng 2.000 °C (3.632 °F), vì thế có hai hợp chất thông thường hay được bổ sung vào cát trong công nghệ nấu thủy tinh nhằm giảm nhiệt độ nóng chảy của nó xuống khoảng 1.000 °C. Một trong số đó là sô đa (cacbonat natri Na2CO3), hay bồ tạt (tức cacbonat kali K2CO3). Tuy nhiên, sô đa làm cho thủy tinh bị hòa tan trong nước – là điều người ta không mong muốn, vì thế người ta cho thêm vôi sống (ôxít canxi, CaO) là hợp chất bổ sung để phục hồi tính không hòa tan.” (Theo wikipedia).
Đọc đến đây chúng ta sẽ hiểu, “nước kính” chỉ đơn giản là dung dịch Na2CO3/K2CO3 dùng để làm giảm nhiệt độ nóng chảy của SiO2 xuống ngang bằng nhiệt độ nung của gốm tử sa, vào khoảng 1150oC đến 1300oC. Nhờ vậy, những ấm khoáng rìa, khoáng phối sét hay đơn giản là bất cứ thứ vật liệu làm ấm nào có chứa SiO2 cũng sẽ có độ bóng đẹp, cứng chắc như những gì người chơi muốn và giống như cụ Nguyễn Tuân từng viết: “bóng, đẹp, đanh và gõ kêu như chuông”.
Ngoài ra, để những chiếc ấm bóng và đanh hơn, thợ phối đất còn có thể trộn thêm Ba(HCO3)2 (Bari Hydro cacbonate), việc trộn thêm Bari thường được tiến hành và trở thành một trong những hoá chất phổ thông cho việc phối đất tử sa nhân tạo vào những năm 80-90 đến nay. Hàm lượng Ba++ thêm vào thường được giới hạn ở mức an toàn là khoảng 5/1000 (5 phần ngàn) nhưng cá biệt, có những chiếc ấm tử sa để làm giả chu nê, hàm lượng Ba++ được thêm vào lên đến 1/100.
Việc trộn thêm nước kính và Ba++ sẽ giúp giảm nhiệt độ và thời gian nung, đồng thời giảm tỉ lệ lỗi và hư hỏng khi nung giúp xưởng ấm nâng cao năng suất sản xuất.
Vậy, Na2CO3/K2CO3 có độc hại không? Không độc hại, Na2CO3 là bột nở bánh mì hay là nước “So da” bạn hay uống. Còn Ba++ nếu sử dụng trong hàm lượng cho phép của vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không độc hại.
Quay lại, vấn đề về những chiếc ấm tử sa bóng đẹp, gõ đanh như chuông có giá trị về tử sa không? Những chiếc ấm như thế thường được làm bằng khoáng rìa tử sa/ hoặc khoáng rìa phối đất sét thường (không nghệ nhân nào dại dột mang khoáng tử sa hạng cao để chế tác những kiểu ấm như thế này), phối thêm oxit tạo màu để giả ấm tử sa thật, những chiếc ấm này có giá trị thấp về mặt khoáng tử sa nhưng về yếu tố thẩm mỹ, người chế tác đã làm tăng “giá trị” của chiếc ấm.
Về mặt tương tác với nước trà, những chiếc ấm đã bị thuỷ tinh hoá đã làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc của bề mặt, nó không khác mấy so với những chiếc ấm sứ hoặc ấm thuỷ tinh của bạn đang sử dụng, giá trị của ấm ngoài việc đẹp hơn ấm sứ hoặc ấm thuỷ tinh, giá thành cũng cao hơn, thì tương tác của ấm với nước trà cũng hạn chế. Bạn có thể chọn chơi những chiếc ấm như thế này hay không là tuỳ ở bạn nhưng giá trị tử sa của ấm khi sử dụng và dưỡng ấm lâu dài là hầu như không có.
Kết cấu bề mặt của ấm tử sa nguyên bản, không phối trộn Fe++/Ba++:
SG, 01/07/2021
Người viết
Lão Tà – An Nhiên Tịnh Quán.